Nhóm công ty là gì? Đặc điểm của nhóm công ty

Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, nhóm công ty có 02 hình thức cơ bản: tập đoàn kinh tế và tổng công ty. về nguyên tắc, dấu hiệu để phân biệt hai hình thức này dựa trên cơ sở quy mô của nhóm công ty và số lượng thành viên trong nhóm.

Trải qua một quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp trong khu vực nhà nước cũng như trong khu vực dân doanh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có quá trình tập trung và tích tụ vốn lâu dài; hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất diễn ra thường xuyên với sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, nhu cầu thực hiện liên kết đầu tư tạo thành tổ hợp, kinh doanh đa ngành đã trở thành nhu cầu mang tính thời sự. Những điều này đã đặt ra một vấn đề cần giải quyết: các mô hình tổ chức kinh tế đang vận hành hiện nay không đáp ứng được nhu cầu huy động vốn, chuyên môn hoá sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình nhóm công ty đã xuất hiện ở Việt Nam và phần nào đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư trong cả khối nhà nước và dân doanh.

1. Khái niệm nhóm công ty

Sự tác động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, của tiến bộ khoa học kĩ thuật, của nhu cầu tập trung vốn, giảm chi phí kinh doanh, phân tán rủi ro làm xu hướng hình thành các nhóm công ty càng trở nên mạnh mẽ. Xét từ góc độ lý luận về hành vi tổ chức, nhóm là một mô hình tổ chức bao gồm hai hay nhiều chủ thể, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Từ những cơ sở trên, có thể khái niệm về nhóm công ty như sau:

“Nhóm công ty là một tập hợp hai hay nhiều công ty, tương tác và có mối quan hệ lâu dài về kinh tế, công nghệ, thị trường, loại trừ sự cạnh tranh lẫn nhau, cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn và tối đa hoá lợi nhuận”.

Nhóm công ty là gì?

2. Đặc điểm của nhóm công ty

Thứ nhất, nhóm công ty là một tập hợp của hai hay nhiều công ty. Các công ty có mối quan hệ qua lại, tương tác với nhau trên cơ sở hoạt động đầu tư kinh doanh và hợp đồng xác lập giao dịch. Các công ty trong nhóm hoàn toàn độc lập về mặt pháp lý và kinh doanh. Mặc dù vậy, quá trình tương tác của các công ty làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty và sự phát triển chung của nhóm. Động lực này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách thức và nguyên tắc thực hiện mối quan hệ giữa công ty trong nhóm. Nhóm công ty là một tập hợp, một tổ chức, tuy nhiên, tổ chức này không đáp ứng các điều kiện về tư cách pháp nhân.

Thứ hai, nhóm công ty được hình thành với mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận. Các công ty đơn lẻ, vừa thiếu vốn vừa thiếu công nghệ không đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, có thể tập hợp để hình thành nhóm công ty. Nhóm công ty có nhiều lợi thế trên thị trường: lợi thế về tập trung nguồn lực, lợi thế quy mô, lợi thế thương hiệu, lợi thế chuyên môn hoá, lợi thế về tính thống nhất. Do đó, nhóm công ty có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho những công ty quy mô nhỏ, giảm thiểu những rủi ro từ biến động thị trường. Đổ thực hiện mục tiêụ này, các công ty trong nhóm phải cùng nhau cam kết thực hiện các thỏa thuận hình thành nhóm, từng công ty phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh của công ty phù hợp với mục tiêu chung của nhóm công ty. Tùy từng giai đoạn, nhóm công ty có thể xây dựng những mục tiêu chiến lược khác nhau phù họp với điều kiện kinh tế mới.

Thứ ba, nhóm công ty có nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức. Để nhóm công ty hoạt động hiệu quả, các công ty thành viên phải cùng nhau xây dựng các quy tắc, nội quy, quy chế họạt động, xây dựng mô hình quản lý để đảm bảo các mục tiêu thành lập nhóm. Những quy tắc, nội quy, quy chế hoạt động được thể chế trong điều lệ nhóm công ty. Mô hình quản lý tương đối phức tạp và phụ thuộc vào số lượng công ty tham gia vào nhóm.

Thứ tư, trong nhóm công ty có công ty giữ quyền chi phối các công ty còn lại. Công ty giữ quyền chi phối đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của nhóm công ty, chủ trì xây dựng điều lệ nhóm công ty, xây dựng bộ máy quản trị nhóm công ty.

3. Các hình thức nhóm công ty

Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, nhóm công ty có 02 hình thức cơ bản: tập đoàn kinh tế và tổng công ty. về nguyên tắc, dấu hiệu để phân biệt hai hình thức này dựa trên cơ sở quy mô của nhóm công ty và số lượng thành viên trong nhóm. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô và số lượng thành viên lớn hơn so với tổng công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (hiện nay, áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020) không quy định rõ tiêu chí phân biệt giữa mô hình tập đoàn kinh tế và mô hình tổng công ty.

Tại khu vực kinh tế nhà nước, Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, có quy định phân biệt mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước dựa trên cơ sở vốn điều lệ của công ty mẹ và ngành nghề kinh doanh chính. Theo đó, vốn điều lệ của công ty mẹ ữong tập đoàn kinh tế nhà nước không thấp hơn 10.000 tỉ đồng, vốn điều lệ của công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước không thấp hơn 1.800 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế là ngành nghề quan trọng có tác động đến sự phát triển của quốc gia, tập đoàn kinh tế mang tính chất đa ngành. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ trong tổng công ty là những ngành nghề kinh doanh có tác động tới sự phát triển của ngành và vùng, tổng công ty thường mang tính đơn ngành và chuyên sâu. về nguyên tắc, một nhóm công ty của Nhà nước khi phát triển đến mức độ nhất định về quy mô, cơ quan nhà nước sẽ ra quyết định nâng lên thành tổng công ty nhà nước. Tổng công ty nhà nước khi phát triển đạt các điều kiện tiêu chuẩn, cơ quan nhà nước sẽ quyết định nâng lên thành tập đoàn kinh tế nhà nước.

Nguồn luatminhkhue.vn