Hợp đồng kinh tế là gì? Các điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế

Hợp đồng kinh tế là công cụ được sử dụng phổ biến để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi giao dịch buôn bán. Hợp đồng kinh tế là gì? Hợp đồng kinh tế bao gồm những điều khoản nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1. Hợp đồng kinh tế là gì ?

1.1. Khái niệm hợp đồng kinh tế

Hiện nay không còn quy định về hợp đồng kinh tế nữa mà nó được điều chỉnh với từng đối tượng hợp đồng trong hợp đồng riêng biệt.

Tuy nhiên, dựa theo quy định trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 trước đây, có thể định nghĩa:

“Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên kí kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hành hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng nội dung và thực hiện kế hoạch của mình.”

Hợp đồng kinh tế là gì ?

1.2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng kinh tế

– Đối tượng hợp đồng

Mục tiêu chung của hợp đồng kinh tế là lợi nhuận.

Đối tượng của hợp đồng rất đa dạng, có thể là những hàng hóa, nguyên vật liệu có giá trị khá cao với số lượng lớn.

Ví dụ Hợp đồng mua bán giữa công ty sản xuất hàng với cửa hàng đại lý, hợp đồng đại lý, hợp đồng xây dựng,…

– Chủ thể giao kết

Hợp đồng kinh tế là một kiểu hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Cho nên, các bên chủ thể hợp đồng đều là người kinh doanh, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh. Họ phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự thì mới có đủ khả năng thỏa thuận và giao kết hợp đồng. Với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, tìm kiếm khách hàng và đối tác tiềm năng, lâu dài.

– Hình thức hợp đồng

Do loại hợp đồng này diễn ra giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận, giá trị của hợp đồng rất lớn nên các bên thường đều giao kết bằng hình thức văn bản.

Tùy từng đối tượng hợp đồng mà hợp đồng đó có thể phải công chứng, chứng thực hoặc không.

– Các quy định về nội dung, điều khoản thỏa thuận

Về cơ bản, các điều khoản hợp đồng do các bên tự thỏa thuận, chỉ cần có đủ các nội dung cơ bản của hợp đồng hay còn goi là điều khoản cơ bản thì các bên có thể thỏa thuận thêm các điều khoản tùy nghi để chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các bên hơn và có thể kèm theo các bản phụ lục hợp đồng.

Các điều khoản thông thường phải có là các điều khoản về đối tượng hợp đồng, giá trị hợp đồng, điều khoản thanh toán, quyền nghĩa vụ của các bên, thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng,…

Nói chung, chỉ cần sự thỏa thuận đều dựa trên cơ sở tự nguyện, tự do thỏa thuận và không vi phạm vào các điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì pháp luật đều công nhận và bảo vệ.

Vì giá trị hợp đồng thường rất lớn, nên ngoài các điều khoản liên quan đến đối tượng hợp đồng thì các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng cũng hay được đưa thêm vào để bảo đảm cho hợp đồng được thực hiện đúng và đủ.

1.3. Một số loại hợp đồng kinh tế thường gặp

Theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thì các hợp đồng sẽ có các tên riêng biệt mà ít khi gọi chung là hợp đồng kinh tế như trước nữa. Một số loại hợp đồng kinh tế thường xuyên gặp như:

+ Về lĩnh vực thương mại, thì sẽ có các loại hợp đồng kinh tế cụ thể như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hợp đồng đại lý, Hợp đồng cung ứng dịch vụ,….

+ Về lĩnh vực đầu tư xây dựng thì có hợp đồng xây dựng, hợp đồng đầu tư,…

+ Về lĩnh vực dân sự, cơ bản các hợp đồng thương mại nếu có 1 bên không phải chủ thể có đăng ký kinh doanh và có thỏa thuận áp dụng và giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự thì sẽ thuộc lĩnh vực dân sự.

2. Điều khoản chủ yếu trong hợp đồng kinh tế là gì ?

Điều khoản chủ yếu được hiểu là những điều khoản cơ bản quan trọng nhất của hợp đồng mà bắt buộc các bên phải thoả thuận và ghi vào hợp đồng, nếu không thì hợp đồng sẽ không có giá trị pháp lý. Những điều khoản chủ yếu được xem là cái sườn đề cập đến đối tượng giao kết của hợp đồng. Các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng, nếu không thỏa thuận được những điều đó thì hợp đồng không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng loại hợp đồng quyết định hoặc do pháp luật quy định.

3. Các điều khoản chủ yếu trong hợp đồng kinh tế bao gồm những nội dung nào?

Theo điều 12 pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 các điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế bao gồm :

“Điều 12

1- Hợp đồng kinh tế bao gồm các điều khoản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ký hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên, họ, tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh;

b) Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận;

c) Chất lượng, chủng loại, quy sách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;

d) Giá cả;

đ) Bảo hành;

e) Điều kiện nghiệm thu, giao nhận;

g) Phương thức thanh toán;

h) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế;

i) Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế;

k) Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế;

l) Các thoả thuận khác.

2- Các điều khoản quy định tại các điểm a, b, c, d, khoản 1, Điều này là điều khoản chủ yếu của các hợp đồng kinh tế. Các điều khoản khác liên quan trực tiếp đến đặc điểm của từng loại hợp đồng kinh tế cũng là điều khoản chủ yếu của loại hợp đồng kinh tế đó.”

Như vậy, các nội dung chủ yếu trong hợp đồng kinh tế bao gồm 04 điều, cụ thể là:

– Ngày, tháng, năm ký hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên, họ, tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh;

– Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận;

– Chất lượng, chủng loại, quy sách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;

– Giá cả;

3.1. Ngày, tháng, năm ký hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên; họ tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh.

Đây là điều kiện quan trọng và cần thiết trong một hợp đồng kinh tế.

+ Thời hạn hiệu lực của một hợp đồng kinh tế sẽ giúp hợp đồng có giá trị hơn, mặt khác thời hạn trong hợp đồng là căn cứ xác định tính hiệu lực của hợp đồng.

+Các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế phải có ngân hàng của mình đứng ra bảo đảmvề khả năng tài chính, vì vậy các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có tài khoản trong ngân hàng.

+ Khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế, mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng chỉ cần cử một đại diện để lý vào hợp đồng kinh tế.

* Nếu là pháp nhân thì người ký hợp đồng phải là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu của pháp nhân và hiện đang giữ chức vụ đó.

* Nếu là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì người ký hợp đồng phải là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh.

* Trong trường hợp một bên là người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân thì người ký hợp đồng kinh tế phải là người trực tiếp thực hiện công việc trong hợp đồng.

*Khi một bên là hộ kinh tế gia đình thì đại diện ký hợp đòng là chủ hộ.

* Khi một bên là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thì đại diện tổ chức đó phải được uỷ nhiệm bằng văn bản nếu là cá nhân nước ngoài ở Việt Nam thì bản thân họ phải là người ký kết hợp đồng kinh tế.

3.2.Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận.

+ Điều khoản về số lượng là một trong những điều khoản chủ yếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế. Thực hiện đúng về số lượng tức là giao đầy đủ số lượng, trọng lượng hàng hoá, khối lượng công việc như đã thoả thuận. Trong khi giao nhận, các bên phải tiến hành kiểm tra số lượng hoặc trọng lượng hàng hoá bằng các phương pháp cân, đo, đong, đếm chính xác và lập biên bản giao hàng.

+ Trong quá trình kiểm tra khi giao nhận, nếu các bên phát hiện ra sự thiếu hụt hàng hoá thì phải tìm nguyên nhân của sự thiếu hụt để quy trách nhiệm vật chất. Sản phẩm giao không đúng số lượng, khối lượng thì bên nhận chỉ được nhận và thanh toán theo số thực nhận còn số sản phẩm thiếu thì bên giao phải giao tiếp sau đó.

3.3. Chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc.

+ Điều khoản về chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm cũng là một điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế. Các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng chất lượng hàng hoá, công việc như đã thoả thuận.

+ Giao hàng đúng chất lượng có nghĩa là hàng được giao phải đảm bảo khả năng sử dụng, bảo đảm đúng phẩm chất, bao bì, đóng gói, quy cách, chủng loại của sản phẩm của Nhà nước, của đơn vị cơ sở hoặc theo sự thoả thuận của các bên. Khi giao nhận các bên phải tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, công việc. Trường hợp điều khoản này bị vi phạm các bên có quyền: không nhận sản phẩm, phạt hợp đồng,…

* Hoặc không nhận sản phẩm hàng hoá, công việc không đúng chất lượng thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế, bắt phạt vi phạm hợp đồng kinh tế với đoàn bồi thường thiệt hại giống như trường hợp không thực hiện hợp đồng.

* Hoặc nhận sản phẩm hàng hóa công việc với điều kiện bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm về chất lượng theo mức phạt các bên đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, hoặc phải giảm giá không áp dụng phạt vi phạm chất lượng.

+ Hoặc yêu cầu bên vi phạm phải sửa chữa sai sót về chất lượng trước khi nhận Nếu phải sửa chữa sai sót mà hợp đồng không thực hiện đúng thời hạn thì phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại như trường hợp vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng.

3.4. Điều khoản về giá cả, thanh toán

Điều khoản này là điều khoản mà các bên thoả thuận về đơn giá, các phụ phí, tỷ lệ phần trăm hoa hồng. Khi thoả thuận điều khoản này các bên có thể thoả thuận cả khả năng điều chỉnh giá khi đó biến động giá cả của thị trường.

+ Các bên có quyền thoả thuận về giá cả hàng hoá và ghi cụ thể vào hợp đồng kinh tế, thoả thuận về nguyên tắc, thủ tục để thực hiện việc thay đổi giá cả khi có sự biến động giá cả trên thị trường trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế.

+ Đối với sản phẩm hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã quy định giá thì phải thì giá thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế phải phù hợp với sự quy định đó . Không bên nào có quyền gói ép hoặc là nâng quá mức quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền các bên có nghĩa vụ thanh toán cho nhau đúng giá cả quy định.

+ Thanh toán theo hợp đồng là khâu cuối cùng kết thúc quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, Nghĩa vụ phải trả tiền được thực hiện theo phương thức và thời hạn thanh toán đã thoả thuận trong hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp đồng không ghi thời hạn thì thời hạn trả tiền là 15 ngày kể từ ngày nhận được hóa đơn, giấy đòi tiền. Việc lập hóa đơn giấy đòi tiền phải phù hợp với việc thực hiện từng phần hay toàn bộ hợp đồng kinh tế chỉ trường hợp pháp luật quy định khác.

+ Nghĩa vụ trả tiền được coi là hoàn thành từ khi chuyển đủ tiền trên tài khoản của bên trả tiền tại ngân hàng cho bên đòi hoặc khi bên đòi trực tiếp nhận đủ số tiền mặt theo hoá đơn.

+ Trong trường hợp có sự chuyển giao nghĩa vụ cho người thứ ba thì nghĩa vụ trả tiền của bên phải trả chỉ được coi là hoàn thành khi người thứ ba đã trả đủ số tiền phải trả cho bên đòi tiền.

Nguồn luatminhkhue.vn