Công ty đối vốn là gì? Những ưu và nhược điểm của công ty đối nhân

Về mặt lịch sử, các công ty đối vốn ra đời sau các công ty đối nhân. Khác với công ty đối nhân, công ty đối vốn không quan tâm đến nhân thân người góp vốn mà chỉ quan tâm đến phần vốn góp.

Khi thành lập doanh nghiệp cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển cũng như ngành nghề sản xuất kinh doanh. Công ty có nhiều loại hình khác nhau, căn cứ vào tính chất liên kết, chế độ trách nhiệm của thành viên công ty và ý chí của nhà lập pháp thường chia công ty thành 2 loại cơ bản là công ty đối nhân và công ty đối vốn.

1. Sự hình thành và phát triển của công ty đối vốn

Về mặt lịch sử, các công ty đối vốn ra đời sau các công ty đối nhân. Khác với công ty đối nhân, công ty đối vốn không quan tâm đến nhân thân người góp vốn mà chỉ quan tâm đến phần vốn góp.

Đặc điểm quan trọng của công ty đối vốn là có sự tách bạch tài sản của công ty và tài sản của các thành viên trong công ty. Luật các nước gọi là nguyên tắc phân tách tài sản. Điều đó cũng có nghĩa là có sự phân biệt giữa thành viên công ty và công ty. Công ty đối vốn có tư cách pháp nhân, các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của công ty trong phạm vi phàn vốn mà họ đã góp vào công ty (TNHH). Do việc thành lập chỉ quan tâm đến phần vốn góp, do đó, thành viên công ty thường rất đông, những người không hiểu biết về kinh doanh cũng có thể tham gia vào công ty. Công ty phải đóng thuế cho nhà nước, các thành viên phải đóng thuế thu nhập. Có rất nhiều quy định pháp lý về tổ chức, hoạt động đôi với công ty đối vốn, thành viên công ty dễ dàng thay đổi.

cong-ty-doi-von-la-gi-nhung-uu-va-nhuoc-diem-cua-cong-ty-doi-nhan1

Trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, các công ty đối vốn thông thường chia làm hai loại:

– Công ty cổ phần;

Theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty Cổ phần như sau

“1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”

Theo Điều 112 Doanh nghiệp 2020 quy định về vốn của công ty Cổ phần như sau”

“1. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

2. Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

3. Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.

4. Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

5. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

b) Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này;

c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này.”

– Công ty TNHH.

“Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Theo Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty TNHH hai thành viên như sau:

“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

Hai loại này tồn tại phổ biến ở châu Âu lục địa và có quy chế pháp lý khác nhau. Hệ thống luật Anh – Mỹ lại không có sự phân biệt rõ ràng giữa công ty TNHH và Công ty cổ phần như hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. ở Anh chỉ có một loại công ty đối vốn, gọi là Company, ở Mỹ gọi là Public Corporation và Close Corporation. Public Corporation là các công ty có phát hành cổ phiếu rộng rãi trong công chủng như Công ty cổ phần (công ty mở); còn Close Corporation là các công ty không phát hành cổ phiếu rộng rãi trong công chúng, có quy chế pháp lý gần giống như công ty TNHH.

Hai loại công ty đối vốn tồn tại ở châu Âu lục địa có sự phân biệt rõ ràng hơn, tránh sự nhầm lẫn trong công chúng nhưng có nhược điểm là không thuận lợi khi thay đổi hình thức công ty.

Ngược lại, hệ thống luật Anh – Mỹ tỏ ra mềm dẻo hơn cho người kinh doanh khi chuyển đổi hình thức công ty, nhưng sự phân biệt ở đây không rõ ràng, đòi hỏi trình độ dân trí cao, thông tin rộng rãi, công khai thì mới tránh được sự nhầm lẫn, lừa đảo trong kinh doanh.

Việc chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào các khu vực có độ rủi ro lớn và khả năng họ phân tán vốn đầu tư vào nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau, tạo điều kiện cho thị trường vốn ra đời, phát triển. Bên cạnh những ưu điểm, công ty đối vốn cũng có những hạn chế. Do chỉ chịu TNHH nên dễ gây rủi ro cho khách hàng. Mặt khác, do chỉ quan tâm đến vốn góp, do đó, thành viên rất đông có thể dẫn tới sự phân hoá các nhóm quyền lợi trong công ty, việc quản lý công ty là rất phức tạp, đòi hỏi phải có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp.

2. Đặc điểm của công ty đối vốn

Công ty đối vốn có các đặc điểm sau:

1) Thành viên công ty quan tâm chủ yếu đến phần vốn góp của nhau, yếu tố nhân thân của thành viên không phải là vấn đề cơ bản được xem xét khi họ tham gia vào công ty. Số lượng thành viên của công ty thường nhiều;

2) Thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;

3) công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số tài sản của công tyi;

4) công ty có tư cách pháp nhân;

5) Pháp luật thường quy định đầy đủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của loại hình công ty này.

Ở các nước, công ty đối vốn có thể có tên gọi khác nhau, nhưng nhìn chung tổn tại dưới hai loại hình chính: Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. Công ty cổ phần ra đời vào khoảng thế kỉ XVII, công ty trách nhiệm hữu hạn ra đời sau, là sáng kiến của các nhà lập pháp và là kết quả của thực tiễn lập pháp.

Hiện nay đang áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định về 2 loại công ty đối vốn: Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (trong đó có công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên).

3. Trách nhiệm của công ty đối vốn là gì

Theo như khái niệm của công ty đối vốn: Các thành viên công ty sẽ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mình góp vào”. Vì thế chế độ trách nhiệm đối với các thành viên cổ đông công ty là trách nhiệm hữu hạn.

4. Định nghĩa công ty đối nhân

Công ty đối nhân là những công ty được thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi chế độ tin cậy về nhân thân của các thành viên tham gia, góp vốn chỉ là yếu tố thứ yếu trong đó.
Chính sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên là cơ sở hình thành và tồn tại của công ty.
Vậy nên có nhiều trường hợp khi 1 thành viên rút khỏi công ty thì công ty có thể phải giải thể.

5. Đặc điểm quan trọng của công ty đối nhân

Không có sự tách bạch về tài sản cá nhân các thành viên và tài sản công ty.

  • Các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản và ít nhất phải có một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty.
  • Các thành viên có tư cách thương gia độc lập và phải chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty không bị đánh thuế.

Công ty đối nhân thường tồn tại dưới dạng là công ty hợp danh:

  • Trong công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân.
  • Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng đơn giản và nói chung khó kiểm soát.
  • Khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với mỗi thành viên là rất lớn vì theo nguyên tắc thì ngay cả khi thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào vẫn phải chịu trách nhiệm.
  • Công ty hợp danh có cơ cấu tổ chức rất đơn giản.
  • Các thành viên có quyền thỏa thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành, đại diện của công ty.

Nguồn luatminhkhue.vn