Chủ doanh nghiệp tư nhân là gì? Quyền và vai trò của chủ doanh nghiệp tư nhân

Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, có rất nhiều kiến thức cần tìm hiểu: Trong đó phải kể đến khái niệm, đặc điểm và đặc biệt phải có cái nhìn so sánh ưu nhược điểm với các loại hình doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp tư nhân là gì

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là loại hình doanh nghiệp một chủ. Giống với Công ty TNHH một thành viên. DNTN do một chủ thể đứng ra thành lập. Chủ thể này dùng tài sản của mình đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không có sự liên kết và chia sẻ với bất cứ ai khác.

Trong DNTN không có sự hùn vốn, không có sự liên kết của nhiều thành viên. Là người duy nhất đầu tư vốn thành lập nên chủ DNTN cũng là người duy nhất có quyền định đoạt các vấn đề tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần phân biệt tính tổ chức liên kết hợp tác dưới giác độ chủ sở hữu với tính tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp. Dù một chủ, DNTN vẫn là đơn vị kinh doanh mang tính chất một tổ chức, trong đó có người quản lý điều hành, có người lao động làm công, v.v.. Chính vì vậy DNTN vẫn thỏa mãn dấu hiệu cơ bản đầu tiên của một doanh nghiệp nói chung: bản thân Doanh nghiệp tư nhân là “một tổ chức kinh tế”.

Doanh nghiệp tư nhân là gì

Chủ doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân (Chủ DNTN) có quyền và nghĩa vụ như thế nào. Vai trò của Chủ DNTN ra làm sao.

Quyền quyết định doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Do đó, Chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật

Chủ DNTN có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vai trò của chủ DNTN

Chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

Chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Những quyền hạn này của Chủ DNTN được pháp luật thừa nhận và quy định tại Điều 143 Luật doanh nghiệp 2005, Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 và hiện nay là Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020.

Quyền cho thuê và bán toàn bộ doanh nghiệp

Chủ DNTN có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình (Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020). Trong thời hạn cho thuê, Chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp.

Chủ DNTN có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác (Điều 192 Luật doanh nghiệp 2020). Sau khi bán doanh nghiệp, chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

Mối quan hệ không thể tách rời giữa Chủ DNTN và doanh nghiệp tư nhân

Có thể nói, mối quan hệ giữa Chủ DNTN và doanh nghiệp là mối quan hệ gắn kết không tách rời. Doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một cá nhân cụ thể là chủ sở hữu. Nếu có sự thay đổi từ cá nhân này sang cá nhân khác thì Doanh nghiệp tư nhân đó về bản chất phải chấm dứt sự tồn tại. Như trong trường hợp bán Doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh lại. Nếu có sự thay đổi về số lượng chủ sở hữu thì Doanh nghiệp tư nhân đó cũng phải chấm dứt sự tồn tại.

Cá nhân Chủ DNTN mà chết, mất tích hoặc rơi vào các trường hợp bị cấm thành lập quản lý doanh nghiệp (không còn chủ sở hữu đủ điều kiện) thì Doanh nghiệp tư nhân phải giải thể doanh nghiệp. Trường hợp Chủ DNTN chết, người thừa kế (nếu có) chỉ được hưởng thừa kế về tài sản chứ không được thừa kế tư cách chủ sở hữu DNTN. Nếu chỉ có một người thừa kế và người này muốn tiếp tục duy trì khai thác khối tài sản trong doanh nghiệp bằng hoạt động kinh doanh dưới hình thức Doanh nghiệp tư nhân thì phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh lại.

Nếu số lượng chủ sở hữu tăng lên hơn một, thì phải làm thủ tục chuyển đổi Doanh nghiệp tư nhân sang hình thức Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Chủ DNTN chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân

Chủ DNTN chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Khi Doanh nghiệp tư nhân chưa chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý thì Chủ doanh nghiệp không thể đăng ký làm chủ một Doanh nghiệp tư nhân khác.

Mối quan hệ sở hữu vốn doanh nghiệp

Mối quan hệ sở hữu vốn giữa chủ doanh nghiệp và DNTN như sau:

Trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN

Chủ DNTN tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trách nhiệm vô hạn, trong DNTN, hầu như không có sự tách bạch giữa khối tài sản của Chủ DNTN và vốn của doanh nghiệp tư nhân. Ranh giới này nếu được xác lập cũng dễ dàng được xóa bỏ bởi ý chí chủ quan của Chủ DNTN. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Vốn của doanh nghiệp tư nhân

Nguồn vốn ban đầu của DNTN xuất phát chủ yếu từ tài sản cá nhân của chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ DNTN có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. Đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tăng giảm vốn doanh nghiệp tư nhân

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Chủ DNTN có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì Chủ DNTN chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

  • Hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân mới nhất
  • Đặc điểm cần biết về chủ sở hữu khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân

Trên đây là nội dung về chủ doanh nghiệp tư nhân ONESE gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với ONESE theo thông tin trên Website hoặc số hotline 0903408006 để được tư vấn nhé.

Nguồn lawkey.vn