9 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Bạn định start up vậy thì bạn cần phải có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Vậy chiến lược kinh doanh đó là gì? Có vai trò ra sao? Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!

Chiến lược kinh doanh là gì?

Chiến lược kinh doanh được hiểu là là một định hướng phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp nói chung, bao gồm tất cả các quyết định và hành động được thực hiện, dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp, để từ đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh riêng và đạt được các mục tiêu phát triển cụ thể.

Một chiến lược kinh doanh cụ thể thường nằm trong một bản kế hoạch kinh doanh dài hạn theo trình tự, được cấp trên đề ra và thống nhất với các phòng ban công ty để cùng đạt được mục tiêu chung. Chúng có thể bao gồm một chuỗi các phương pháp, cách thức hoạt động kinh doanh xuyên suốt trong một thời gian dài.

Chiến lược kinh doanh là gì?
Chiến lược kinh doanh là gì?
Và dù rằng một chiến lược kinh doanh có khó khăn hay phức tạp đến đâu, khó triển khai đến đâu, thì chắc chắn doanh nghiệp của bạn cũng sẽ cần có cho riêng mình bởi tầm quan trọng mà nó mang lại như:

Vạch rõ lộ trình đường đi để đạt được mục tiêu nhanh nhất

Nếu như các kế hoạch kinh doanh đề cập đến các mục tiêu thì chiến lược kinh doanh sẽ là cách để bạn có thể hình dung con đường mà doanh nghiệp sẽ sớm chạm đến các mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất. Một chiến lược kinh doanh hiệu quả sẽ giúp bạn kết nối các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn lại với nhau, tạo thành một mắc xích tổng thể, giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng và mạnh mẽ.

Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu

Một chiến lược kinh doanh được cụ thể hóa sẽ cho phép bạn nhìn ra được những điểm mạnh và điểm yếu hiện tại của doanh nghiệp mình, để từ đó bạn có thể tận dụng tốt những nguồn lực thế mạnh và hạn chế mức độ ảnh hưởng của những điểm còn hạn chế.

Nâng tầm hiệu quả

Từ một chiến lược kinh doanh rõ ràng được thống nhất, các phòng ban cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn bởi hiểu rõ được vai trò, vị trí và những việc cần làm xuyên suốt theo chiến lược chung.

Tạo ra lợi thế cạnh tranh

Chiến lược kinh doanh cũng sẽ giúp doanh nghiệp của bạn phát huy tối đa các thế mạnh, để từ đó biến chúng thành những lợi thế cạnh tranh độc đáo, giúp doanh nghiệp tạo nên định vị thương hiệu rõ ràng trên thị trường.

Dễ dàng trong kiểm soát và đo lường hiệu quả công việc

Khi một chiến lược kinh doanh được áp dụng vào doanh nghiệp, các hành động và quy trình được cụ thể hóa một cách bài bản hơn. Từ đó, bạn có thể theo dõi hiệu suất, độ hoàn thiện công việc ở từng khâu, và có những điều chỉnh kịp thời khi phát sinh sự cố trong suốt quá trình.

Với những hiệu quả mà một chiến lược kinh doanh có thể mang lại, vậy làm sao để tạo lập nên một chiến lược kinh doanh chuẩn để đạt được những điều đó?

9 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

9 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả
9 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Việc biết đến các khái niệm chiến lược kinh doanh là gì sẽ không thực sự có ý nghĩa nếu bạn chưa biết cách làm sao để xây dựng nên một chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, doanh nghiệp của bạn sẽ cần phải cùng thảo luận và trao đổi theo 9 vấn đề dưới đây:

Bước 1: Xây dựng tầm nhìn đúng đắn

Tầm nhìn trong chiến lược kinh doanh không phải là những khái niệm mơ hồ mà chúng ta vẫn thường nói đến trong những trang profile công ty hay website. Mà cụ thể hơn, nó chính là một đoạn mô tả ngắn gọn về định hướng chung của doanh nghiệp – cái mà các kế hoạch và chiến lược kinh doanh đang hướng đến phục vụ.

Tầm nhìn không cần thiết phải đi vào chi tiết. Nó đóng vai trò như là một mục tiêu lớn để mỗi cá nhân đều phải nhắm đến.

Nếu có bất kỳ sự lạc lối nào trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh, hãy xem tầm nhìn phát triển kinh doanh của bạn.

Bước 2: Xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là gì?

Thế mạnh của bạn so với đối thủ là gì? Điều gì khiến bạn trở nên nổi bật hơn trong lĩnh vực của bạn? Hãy nhấn mạnh vào điều đó để tự biến chúng thành những lợi thế nhất định của doanh nghiệp trong bản chiến lược kinh doanh của bạn.

Bước 3: Phân khúc mục tiêu phù hợp

Lựa chọn sai tập khách hàng, đưa ra các mục tiêu quá cao hoặc quá thấp, không phân rõ vai trò của từng bộ phận, hay đưa ra các hình thức tiếp cận sai….đều sẽ có thể xảy ra nếu chiến lược kinh doanh thiếu đi những mục tiêu phù hợp.

Chính vì vậy, trước khi bắt đầu với một chiến lược cụ thể, bạn cũng cần thống nhất với toàn team để đặt ra những mục tiêu rõ ràng, đúng đắn, trong tầm khả năng để có thể kết hợp hài hòa giữa các hoạt động marketing và bán hàng, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, truyền tải đúng thông điệp truyền thông, tối ưu hóa doanh số và thị phần.

Bước 4: Tạo cơ sở cho những quyết định đúng đắn

Các quyết định thiếu cơ sở sẽ khiến cho mục tiêu của bạn dần trở nên xa vời, đồng thời còn tạo ra cái nhìn không thiện cảm với nhân viên bởi thiếu đi tính thực tế. Để luôn quyết định chính xác và hợp lý, các quyết định đều sẽ cần phải dựa trên cơ sở số liệu hoặc những thông tin sẵn có, và cũng giúp làm giảm bớt các quyết định mang tính cảm quan, khó thuyết phục trong khi lên chiến lược.

Bước 5: Tập trung vào phát triển bền vững

Dù là chiến lược dài hạn hay ngắn hạn thì các ý tưởng đưa ra đều cần phải tập trung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các yếu tố then chốt như nhân lực, công nghệ, cơ sở vật chất…là những điều luôn cần phải được chú trọng trong các quyết định mang tính dài hạn.

Bước 6: Linh hoạt trong triển khai

Dù cho là các kế hoạch đã được vạch sẵn rõ ràng, song chúng đều là những lý thuyết mà chúng ta suy nghĩ đến, khó có thể phù hợp với tình hình thị trường nhiều biến động. Do đó, linh hoạt thay đổi để thích ứng với các yếu tố ngoại cảnh luôn là điều cần thiết và nên được hình thành các kế hoạch dự phòng cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

Bước 7: Tham khảo ý kiến từ nhiều phía

Nếu bạn không phải là một người giỏi về các chiến lược hay ít nhất là có kinh nghiệm với nó, làm sao để đảm bảo các chiến lược đề ra luôn phát huy được hiệu quả?
Trong trường hợp đó, tốt nhất là bạn nên tham vấn từ những người có kinh nghiệm hoặc các chuyên gia, để hỗ trợ bạn lên ý tưởng tốt hơn.

Bước 8: Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực thi

Việc chuẩn bị kỹ trước khi thực thi một chiến lược kinh doanh cũng đảm bảo rằng chiến lược của bạn sẽ sát với thực tế và mức độ khả thi cũng cao hơn.
Để có sự chuẩn bị tốt, bạn cần thực hiện cẩn thận những công việc như: Nghiên cứu thị trường, tìm kiếm các thông tin có liên quan tới yếu tố nội tại và ngoại lực của doanh nghiệp…

Bước 9: Cần lưu ý những gì khi triển khai chiến lược?

Bám sát thực tế và cân đối với những nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp luôn là những điều cơ bản để đảm bảo chiến lược kinh doanh của bạn sẽ thành công. Chính vì vậy, kế hoạch phát triển doanh nghiệp của bạn cũng sẽ cần quan tâm đến những vấn đề:
  • Theo dõi và đo lường hiệu quả chiến lược theo từng giai đoạn.
  • Kết quả của chiến lược cần phải được đo lường thông qua các chỉ số cụ thể, rõ ràng (như KPI chẳng hạn).
  • Luôn chia sẻ về tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp để nhân viên trong công ty biết và hiểu rõ sứ mệnh, vai trò của họ trong sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp.
  • Đánh giá định kỳ về hiệu quả của chiến lược để có sự thay đổi kịp thời khi cần thiết.
Đừng chỉ tự hỏi chiến lược kinh doanh là gì mà không có sự chuẩn bị rõ ràng và cần thiết cho các chiến lược sắp tới của bạn. Nên nhớ rằng chiến lược kinh doanh chỉ là một phần trong kế hoạch kinh doanh của bạn. Việc một chiến lược kinh doanh thành công chưa chắc có thể giúp thay đổi cục diện cho doanh nghiệp của bạn, nhưng nếu không có một chiến lược cụ thể nào, bạn chắc chắn sẽ thất bại ngay trên thương trường đầy khốc liệt.

Nguồn bcoaching.vn