Phá sản là hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường. Ở đâu có cạnh tranh gay gắt, sâu sắc, thì ở đó, phá sản cũng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và trật tự, kỉ cương xã hội, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, Luật phá sản doanh nghiệp đã ra đời.
1. Tìm hiểu luật phá sản tại Việt Nam
Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội Khoá IX, kì họp thứ 4 thông qua ngày 30.12.1993, có hiệu lực thi hành từ ngày 01. 7.1994. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật là tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam khi lâm vào tình trạng phá sản. Đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng thì Chính phủ sẽ có quy định riêng về việc áp dụng Luật phá sản doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, khi giải quyết việc phá sản phải thực hiện theo các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản hướng dẫn cụ thể việc giải quyết phá sản phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia có những quy định khác.
Phá sản là hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường. Ở đâu có cạnh tranh gay gắt, sâu sắc, thì ở đó, phá sản cũng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và trật tự, kỉ cương xã hội, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, Luật phá sản doanh nghiệp đã ra đời.
Bố cục và nội dung cơ bản: Luật phá sản doanh nghiệp gồm 52 điều, được sắp xếp trong 6 chương. Chương I – Những quy định chung, gồm 6 điều, xác định phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh; nêu khái niệm doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng doanh nghiệp, gồm 8 điều. Các quy định trong chương này hướng dẫn cách soạn đơn, gửi đơn, những người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn, các thủ tục nhận đơn và thụ lí đơn, mức phí khi giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Chương IIl gồm 27 điều, quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, bao gồm các vấn đề: quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của hội nghị chủ nợ; thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp… Chương IV quy định về thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, gồm 7 điều. Chương V gồm 2 điều, quy định việc xử lí vi phạm và hậu quả pháp lí của các thành viên lãnh đạo doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp phá sản. Chương VÌ – Điều khoản thi hành gồm 2 điều.
Những điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau, cũng như các đặc điểm về lịch sử, văn hoá, tập quán trong mỗi quốc gia có thể ảnh hưởng hoặc chi phối quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về phá sản. Song, có thể nói nếu so sánh hệ thống pháp luật về phá sản ở những quốc gia ban hành từ khá sớm như Luật phá sản của Vương quốc Anh năm 1542, Luật phá sản của Cộng hoà liên bang Đức năm 1887, Luật phá sản Xingapo năm 1988, Luật phá sản doanh nghiệp Trung Quốc năm 1986, Luật phá sản Thuy Điển năm 1987, Luật phá sản Nam Tư năm 1989, Luật phá sản Cộng hoà liên bang Nga năm 1992 và Luật phá sản doanh nghiệp Việt Nam năm 1993, cho thấy, : chúng khá gần nhau về bố cục, cơ cấu và nội dung cơ bản của từng nhóm quy định. Mục đích của pháp luật phá sản ở Việt Nam cũng như của pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới đều nhằm: bảo vệ quyền về tài sản của các chủ nợ; cơ cấu lại nền kinh tế; bảo vệ quyền lợi của người lao động; bảo đảm trật tự, kỉ cương xã hội.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã được thay thế bằng Luật phá sản mới, được Quốc hội Khoá XI, kì họp thứ 5 thông qua ngày 15.6.2004.
Hiện nay, áp dụng luật phá sản năm 2014 để giải quyết các vấn đề trên.
2. Khái niệm pháp luật phá sản
Pháp luật phá sản có thể hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Pháp luật phá sản là một chế định đặc thù trong luật thương mại. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ trong chế định này vừa chứa đựng các quy phạm của pháp luật nội dung, vừa chứa đựng các quy phạm của pháp luật hình thức. Là pháp luật nội dung, pháp luật phá sản điều chỉnh các quan hệ tài sản giữa chủ nợ và con nợ. Là pháp luật hình thức, pháp luật phá sản điều chỉnh quan hệ tố tụng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với chủ nợ, con nợ và những người có liên quan, quy định quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chủ thể, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, pháp luật phá sản điều chỉnh hai nhóm quan hệ: 1. Quan hệ tài sản giữa chủ nợ – con nợ và 2. Quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.1 Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ
Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ có bản chất là quan hệ tài sản, được hình thành trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ được coi là quan hệ pháp luật phá sản kể từ khi con nợ mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán có nghĩa là kể từ thời điểm đó pháp luật phá sản mới điều chỉnh các quan hệ đó.
Chủ thể tham gia các quan hệ tài sản này là chù nợ và con nợ. Chủ nợ là các tổ chức, cá nhân có khoản nợ chưa được doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ thanh toán. Chủ nợ được chia ra làm ba loại: chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần (khoản 4, 5, 6 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014). Con nợ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Khách thể của quan hệ giữa chủ nợ và con nợ là tài sản của con nợ. Nội dung của quan hệ tài sản giữa con nợ và chủ nợ chính là những quyền và nghĩa vụ tài sản của các chủ thể đó.
2.2 Quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Khác với quan hệ tài sản giữa chủ nợ và con nợ, quan hệ tố tụng giữa các đưong sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những dấu hiệu riêng của nó. về chủ thể:
– Một bên là các đương sự gồm chủ nợ, con nợ và những người có liên quan như người lao động, cổ đông công ty cổ phần… (trong trường hợp họ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản);
– Một bên là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự.
Khách thể của quan hệ tố tụng giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính là quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nội dung của quan hệ này là những quyền và nghĩa vụ tố tụng của các đương sự trước Nhà nước hoặc là các hành vi tố tụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Nội dung của pháp luật phá sản
Nội dung của pháp luật phá sản bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, như cơ chế quản lý kinh tế, trình độ phát triển của thị trường, phong tục, tập quán, trình độ, năng lực lập pháp … Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của các quốc gia trong từng thời kì mà nội dung của pháp luật phá sản được xây dựng một cách phù hợp. Nội dung của pháp luật phá sản hiện hành ở Việt Nam được ghi nhận trong Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tương tự như nội dung của pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới, pháp luật phá sản Việt Nam có nội dung cơ bản như: Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản; lý do phá sản; cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản; thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản.
3.1 Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản
Theo Điều 2 Luật Phá sản năm 2014, đối tượng áp dụng của Luật này là:
“Doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 chỉ áp dụng đối với:
+ Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Trong quá trình xây dựng Luật Phá sản năm 2014, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng của Luật này để phù họp với khuyến nghị số 8 và 9 của Khuyến nghị Hướng dẫn xây dựng pháp luật phá sản của ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) cũng như tương thích với đối tượng áp dụng trong pháp luật phá sản của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều chủ thể kinh doanh như cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình tuy có đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh của nhóm đối tượng này ở quy mô nhỏ, đa số chưa thực hiện tốt về chế độ kế toán, tài chính nên khi áp dụng thủ tục phá sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý, thanh lý tài sản. Mặt khác, hiện nay khi các đối tượng này mất khả năng thanh toán thì việc xử lý nợ sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự.
3.2 Lý do phá sản
Tương đồng với pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới, pháp luật phá sản của Việt Nam xác định lý do duy nhất dẫn đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Khoản 1,2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014).
3.3 Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản
Theo thông lệ chung, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp là Toà án. Tuy nhiên, do tổ chức hệ thống Toà án và cơ quan tài phán ở mỗi nước khác nhau nên việc giao cho Toà án nào giải quyết yêu cầu phá sản không giống nhau.
Hiện nay, theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 cũng như Luật Phá sản năm 2014, thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc về Toà án nhân dân địa phương. Dựa trên các nguyên tắc: theo trụ sở chính, theo nơi đăng ký kinh doanh và theo tính chất phức tạp của vụ việc phá sản, Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 phân định thẩm quyền giải quyết vụ phá sản giữa các cấp Toà án nhân dân địa phương như sau:
Thứ nhất, Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đãng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp: (i) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài; (ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau; (iii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau; (ĩv) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Thứ hai, Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường họp quy định thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
3.4 Thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản
Pháp luật phá sản một số nước trên thế giới như Pháp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc đều quy định thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản gồm: thủ tục thanh lý và thủ tục tổ chức lại (phục hồi). Thủ tục này rất đa dạng và mềm dẻo. Điểm chung của các nước là tuỳ theo tình hình cụ thể của các doanh nghiệp mà áp dụng thủ tục phục hồi (cứu vãn) hoặc thủ tục thanh lý (phá sản). Trong quá trình thực hiện không cứng nhắc trong một thủ tục mà có thể chuyển từ thủ tục này sang thủ tục khác một cách linh hoạt.
Thủ tục phá sản quy định trong Luật Phá sản năm 2014 bao gồm hai thủ tục chính là thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thủ tục tuyên bố phả sản. Thanh lý tài sản được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản chứ không còn là một thủ tục riêng biệt được tiến hành trước khi ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản như Luật Phá sản năm 2004. Đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ, không nhất thiết phải thực hiện lần lượt hai thủ tục này để được phá sản.
Nguồn luatminhkhue.vn
Bài viết liên quan: