Thất bại từ việc kinh doanh trà sữa do phí ship quá cao. Hai cô gái đã nhanh trí chuyển hướng kinh doanh để đem về cả triệu USD. Cùng chúng tôi tìm hiểu về quá trình khởi nghiệp thành công này nhé!
Không ít người thường tận dụng thời gian “chết” giữa lúc nghỉ việc cũ và tìm việc mới để nghỉ ngơi một chút, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Tuy nhiên, Pamela Yip lại không như vậy.
Trong vòng 1 tuần sau khi mất tất cả khách hàng marketing vì đại dịch, Yip quyết định khởi động một việc kinh doanh khác với người bạn Jenny Le của mình. Le, một chuyên gia đo thị lực, đã mất việc khi các cuộc hẹn khám trực tiếp bị ngưng trệ do người Úc phải ở nhà để phòng chống dịch bệnh.
Cả Yip và Le đều yêu thích trà sữa trân châu nhưng họ lại không tìm được nơi bán như ý. Ngoài ra, phí giao hàng trong giai đoạn này cũng cao hơn bình thường.
Le kể: “Thật kì cục khi phải trả 4 USD phí ship cho một cốc đồ uống 6 USD. Một ngày nọ, Yip rủ tôi tự pha trà sữa trân châu tại nhà để tiết kiệm chi phí. Hôm sau, chúng tôi tìm nguồn cung nguyên liệu từ Đài Loan – quê hương của loại đồ uống này”.
Sau đó, họ đặt hàng, lập trang web với sự giúp đỡ của cậu em rể 15 tuổi của Le. Chỉ trong 4 ngày, họ đã biến ý tưởng xuất phát từ cơn thèm trà sữa trân châu thành công việc kinh doanh mới.
Yip chia sẻ với Business Insider: “Sau khi mất việc, chúng tôi chỉ muốn tiếp tục bận rộn như trước. Một số người bạn của tôi làm và bán bánh mì chuối còn chúng tôi quyết định bán trà sữa”.
Dù thực tế là hàng trăm cửa hàng của thành phố nơi Yip và Le sinh sống kinh doanh trà sữa trân châu nhưng không nơi nào giúp mọi người pha trà tại nhà. Nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, Yip đã khéo léo quảng bá sản phẩm thông qua hình thức truyền miệng.
Mọi người bắt đầu bàn tán về bộ kit pha trà sữa tại nhà của Yip và Le trên mạng. Họ tỏ ra ngạc nhiên bởi cách pha chế dễ dàng và số tiền mà mình có thể tiết kiệm được. Yip giải thích: “Chúng tôi cung cấp mọi thứ bạn cần để pha trà sữa. Với bộ dụng cụ, bạn có thể tùy chỉnh lượng bột trà, kem và đường theo ý mình. Trân châu cũng rất dễ nấu và thêm vào cốc đồ uống”.
Yip và Le đặt tên công ty là Bubble Tea Club (BBT Club). Với việc cung cấp hàng chục loại trà sữa và trà trái cây khác nhau, BBT Club đạt doanh thu hơn 1,5 triệu USD trong năm đầu tiên. Khi mọi thứ khởi sắc, 2 người chuyển nơi sản xuất sang một nhà kho rộng 550 m2 ở Melbourne.
Hai nhà sáng lập cho biết thành công của họ phần lớn là nhờ cộng đồng mà họ tạo ra xung quanh sản phẩm. Hiện fanpage trên Facebook của BBT Club có hơn 12.000 người theo dõi. Yip và Le nói rằng họ luôn lắng nghe nhu cầu và phản hồi của khách hàng để cải thiện sản phẩm.
Tất nhiên, trong quá trình kinh doanh, Yip và Le cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Yip nói: “Khi mới bắt đầu, chúng tôi cố gắng đảm đương nhiều việc nhất có thể. Tuy nhiên, thời điểm việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ, chúng tôi phải thuê thêm người để mọi việc được tiến hành một cách chuyên nghiệp hơn. Cũng có lúc chúng tôi gặp khó khăn về tài chính nhưng đã vượt qua được”.
Hiện BBT Club có 20 nhân viên. Yip và Le đang bắt đầu một vòng gọi vốn từ cộng đồng để bắt kịp tốc độ phát triển của công ty. Thị trường tiếp theo mà BBT Club nhắm tới là Mỹ, Canada và Vương quốc Anh.
Nguồn: khoinghiep.org.vn
Bài viết liên quan: