Ngay từ thời nguyên thủy đã có khái niệm lãnh đạo ám chỉ người đứng đầu dẫn dắt bộ tộc khai phá những vùng đất mới. Đến thời điểm hiện tại khái niệm lãnh đạo đã được hiểu một cách rõ ràng hơn. Họ chính là những người lèo lái con thuyền doanh nghiệp hướng tới những thành công.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm lãnh đạo là gì và những kỹ năng cần có của một nhà lãnh đạo mời các bạn cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Trước hết, lãnh đạo là gì?
Theo bạn, thì lãnh đạo là gì ? Hình ảnh lãnh đạo trong tâm trí bạn là như thế nào?
Nhắc đến “lãnh đạo”, ta có thể hình dung ra rất nhiều hình ảnh khác nhau trong cuộc sống. Đó có thể là một vị lãnh tụ chính trị theo đuổi mục đích dân giàu, nước mạnh và đề cao lợi ích của nhân dân. Hoặc một nhà thám hiểm liều mình khám phá đoạn đường xuyên qua rừng rậm để dẫn đoàn người còn lại đi theo. Hay đó là một giám đốc điều hành đứng đầu một tập đoàn lớn luôn tìm cách phát triển chiến lược kinh doanh và đánh bại công ty đối thủ.
Có thể thấy, lãnh đạo chính là người định hướng cho những cá nhân trong một tập thể làm điều đúng đắn và đem lại lợi ích chung. Họ biết cách kết nối các thành viên cùng nhau khám phá, tìm tòi và xây dựng một tầm nhìn đầy cảm hứng, sáng tạo nên những chiến lược mới.
Đảm nhận vị trí lãnh đạo, với tư cách là đại diện của một nhóm hoặc một tổ chức, bạn cần có đủ bản lĩnh trong việc vạch ra phương án tối ưu và biết chịu trách nhiệm với những sai lầm. Lãnh đạo được xem là hiện thân của sự năng động, đầy thú vị và truyền cảm hứng.
Trên thực tế, một nhà lãnh đạo hiệu quả là người thực hiện những điều sau:
- Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai
- Tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người
- Quản lý phân phối tầm nhìn
- Huấn luyện và xây dựng đội ngũ để đạt được tầm nhìn
Các kỹ năng cần thiết làm nên một nhà lãnh đạo giỏi
Bạn đã hiểu được lãnh đạo là gì? Vậy sự khác biệt nào giữa một nhà lãnh đạo vĩ đại và một nhà lãnh đạo bình thường?
Là một người đứng đầu một tổ chức, lãnh đạo không chỉ phải chịu những áp lực đến từ kết quả công việc mà luôn cần ý thức rèn luyện cho mình những phẩm chất tiên quyết. Những phẩm chất đó là gì?
Trước hết, lãnh đạo được xem là hiện thân của những yếu tố sau: quyết đoán, nhận thức, tập trung, trách nhiệm, giải trình, đồng cảm, tự tin, lạc quan, trung thực và truyền cảm hứng. Hơn nữa, phong cách và phương pháp của mỗi lãnh đạo sẽ có nhiều điểm khác nhau vì những tác động bên ngoài và những thử thách cá nhân mà họ tự đặt ra.
Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai
Jack Ma, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Alibaba đã từng nói: “Phẩm chất của một người lãnh đạo tốt nằm ở tầm nhìn, sự ngoan cường và năng lực”.
Trong kinh doanh, tầm nhìn đóng vai trò phác họa thực tế. Nó phải có sức thuyết phục và hấp dẫn khách hàng cũng như nhân viên về những kỳ vọng của bạn trong tương lai. Một tầm nhìn có định hướng có khả năng xác định những giai đoạn nào trong công việc nên được ưu tiên, đồng thời đánh dấu những cột mốc quan trọng để nhà lãnh đạo có thể biết rằng mình đã đạt được những dự định nào.
Để xây dựng một tầm nhìn hiệu quả, các nhà lãnh đạo luôn biết tập trung vào thế mạnh của tổ chức. Một số công cụ hữu ích cho các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể áp dụng như : Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, Phân tích PEST, Phân tích USP, Phân tích năng lực cốt lõi và Phân tích SWOT,… để phân tích tình hình hiện tại của họ.
Bạn nên suy xét về lĩnh vực mà tổ chức của mình có cơ hội phát triển, đồng thời nhận thức được những phương án mà đối thủ tiềm năng có khả năng ứng xử trong cùng một tình thế. Điều quan trọng hơn là phải luôn biết đổi mới, nhà lãnh đạo có vai trò định hình doanh nghiệp và chiến lược để dẫn đầu xu hướng, làm chủ thị trường. Có thể sử dụng Scenario Analysis – Phân tích kịch bản để đánh giá mức độ rủi ro của dự án.
Một khi đã hình thành nên một tầm nhìn, các nhà lãnh đạo phải làm cho chúng trở nên hấp dẫn và thuyết phục nhất. Một tầm nhìn có sức hấp dẫn khi mọi người có thể nhìn thấy, cảm nhận, hiểu và nắm bắt được triển vọng của nó. Nhà lãnh đạo từ việc phác họa một bức tranh sinh động trong tương lai, cho đến tìm cách kể những câu chuyện đầy cảm hứng để giải thích tầm nhìn của họ theo những cách mà mọi người có thể liên tưởng đến. Do đó, lãnh đạo cần phải là người chủ động giải quyết vấn đề, nhìn về phía trước và không bao giờ hài lòng với mọi thứ hiện tại.
Tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người
Như đề cập ở trên, tạo ra một tầm nhìn hấp dẫn là chưa đủ. Nhà lãnh đạo giỏi là người biết cách để thúc đẩy và truyền cảm hứng đến từng đồng nghiệp, những người đóng vai trò sống còn trong việc thực hiện tầm nhìn đó.
Giả sử, khi bạn bắt đầu một dự án mới với đầy tâm huyết. Tuy nhiên, việc giữ lửa cho tầm nhìn để đến giai đoạn cuối cùng là không hề dễ dàng. Đặc biệt là nếu nhóm của bạn cần thực hiện những thay đổi đáng kể trong quá trình thực hiện.
Các nhà lãnh đạo khi nhận ra điều này phải nỗ lực trong suốt dự án để kết nối tầm nhìn của họ với nhu cầu, mục tiêu và nguyện vọng cá nhân của mọi người. Trong một nghiên cứu khoa học, tác giả đã chỉ ra các nhà lãnh đạo hiệu quả liên kết với nhau qua hai kỳ vọng khác nhau:
- Thứ nhất, làm việc chăm chỉ sẽ dẫn đến kết quả tốt.
- Thứ hai, kết quả tốt dẫn đến phần thưởng hoặc ưu đãi hấp dẫn.
Điều này tạo động lực mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vì bất cứ ai cũng mong đợi thành quả và được hưởng những phần thưởng xứng đáng.
Ngoài ra, khi các nhà lãnh đạo có năng lực chuyên môn sẽ thì sẽ khiến mọi người kính trọng và tin tưởng hơn với người có kiến thức nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Đây sẽ là bước đệm để các lãnh đạo nhận được sự tín nhiệm và yêu cầu mọi người lắng nghe họ và làm theo họ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người đứng đầu cũng có thể thu hút và gây ảnh hưởng đến mọi người nhờ tài ăn nói khéo léo hay sức hấp dẫn tự nhiên của mình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo không nên quá ỷ lại về điều này.
Biết rõ về đội của họ và bản thân họ
Người xưa có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Các nhà lãnh đạo thường hơn kém nhau ở chỗ biết dành thời gian để tìm hiểu rõ về mọi thành viên của mình, từ đó có thể giúp họ đạt được mục tiêu cá nhân và phù hợp với công ty.
Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn, bởi vì một nhà lãnh đạo phải có một sự am hiểu sâu sắc về mỗi cá nhân, chẳng hạn như biết về mục tiêu nghề nghiệp và điều gì thúc đẩy họ trong công việc hiện tại. Bằng cách cam kết giúp mỗi thành viên đạt được mục tiêu cá nhân, nhà lãnh đạo sẽ gặt hái được thành công lớn lao nhất.
Như Harvey Mackay, một bậc thầy giảng dạy về nghệ thuật lãnh đạo người Mỹ đã từng chia sẻ “Lãnh đạo giỏi phải có khả năng nhận diện, thu hút và giữ chân nhân tài”. Chỉ đơn giản một cuộc trò chuyện nhỏ với nhân viên về hoàn cảnh gia đình hay điều kiện làm việc có tốt hay không, đưa ra những lời khen ngợi, động viên khi họ hoàn thành công việc,… cũng đã gắn kết người đứng đầu và nhân viên của họ gần gũi nhau hơn.
Quản lý phân phối tầm nhìn
Không chỉ thấu tình đạt lý ở bên trong, lãnh đạo giỏi cần phải biết phô bày khả năng quản lý của mình. Họ phải đảm bảo rằng những công việc đưa ra phải có khả năng phân phối tầm nhìn, thực hiện theo thứ tự và được quản lý đúng cách để chuyển tiếp đến thành công. Để thực hiện điều này, tầm nhìn của từng thành viên trong nhóm cần liên kết với tầm nhìn chung của cả tập thể. Đôi khi, nhà lãnh đạo cũng nên biết cách thay đổi quy cách quản lý sao cho thật phù hợp, không nên quá cứng nhắc hay quá lỏng lẻo, những thay đổi cần thiết giúp tầm nhìn có thể được thực hiện nhanh chóng và triệt để hơn.
Lấy một điển hình về nhân vật đứng đầu trong bảng xếp hạng 50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới lần thứ 4 của Fortune – Chủ tịch CLB bóng chày Chicago Cubs – Theo Epstein. Ông đã dẫn dắt đội bóng của mình và làm nên lịch sử với 5 nguyên tắc thiết kế chuỗi cung ứng (5R). Lần đầu tiên sau 108 năm chịu lời nguyền, Chicago Cubs cuối cùng đã giành vô địch World Series 2016 và tung hô tên người đứng đầu Theo Epstein đầy nhiệt huyết. 5R cũng là một trong những phương pháp quản lý phân phối tầm nhìn đã đem lại danh tiếng cho nhiều công ty lớn trên thị trường toàn cầu như Apple, Amazon hay Best Buy.
Huấn luyện và xây dựng đội ngũ để đạt được tầm nhìn
Phát triển cá nhân gắn kết với lợi ích của nhóm là hoạt động quan trọng được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo chuyển đổi hiện nay. Trước hết, để phát triển năng lực cá nhân, các nhà lãnh đạo trước tiên phải hiểu được động lực của mỗi người. Cần biết rằng họ làm việc vì đồng lương hay vì kỳ vọng phát triển trong tương lai. Một số mô hình được thiết lập và khá phổ biến để xác định điều này, chẳng hạn như phương pháp 9 nhóm nhân sự của Belbin hay 5 giai đoạn phát triển của nhóm – Forming, Storming, Norming, Performing của Bruce Tuckman.
Người đứng đầu sau khi ghi nhận những lý thuyết trên sẽ đảm bảo các thành viên trong nhóm có các kỹ năng và khả năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của tập thể và đạt được tầm nhìn đã đề ra. Nhà lãnh đạo nên nhận thông tin phản hồi thường xuyên về điều kiện làm việc, đồng thời tập trung đào tạo và huấn luyện để cải thiện hiệu suất của cá nhân và nhóm.
Duy trì thái độ tích cực
Từ việc biết cách huấn luyện và xây dựng đội ngũ, nhà lãnh đạo phải duy trì cho mình thái độ lạc quan, tích cực để làm gương cho tập thể. Bởi lẽ, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những thăng trầm, những bất lợi trong kinh doanh. Nếu không có ai đứng đầu nắm quyền và thúc đẩy sự lạc quan và niềm tin tưởng, công ty có thể sẽ không thể trụ vững.
Walt Disney là một điển hình. Trước khi gặt hái thành công vang dội từ bộ phim “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, ông phải thế chấp nhà và vay tiền khắp nơi để thực hiện mặc dù mọi người nghĩ đó là một ý tưởng điên rồ. Có thể nói, Walt Disney là một nhà lãnh đạo luôn đi đầu và duy trì thái độ tích cực, bất chấp rủi ro cao thì lợi nhuận càng lớn.
Theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, trách nhiệm quản lý đè nặng trên vai lãnh đạo chiếm 75% trong những nguyên nhân gây căng thẳng và áp lực nhiều trong công việc. Từ đó có thể khẳng định, một nhà lãnh đạo giỏi là người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn nhất.
Ví dụ, vì một chút sai sót, bạn để mất khách hàng tốt vào tay đối thủ. Thay vì trách móc nhân viên, nhà lãnh đạo phải hướng dẫn cả nhóm vượt qua thời gian thử thách này, khuyến khích họ duy trì sự tích cực , năng động tìm kiếm những thỏa thuận tiềm năng ở phía trước. Mặc dù không ai thích thừa nhận thất bại, nhưng đôi khi điều đó là không thể tránh khỏi.
Theo Darcy Eikenberg cho rằng “một nhà lãnh đạo đủ tự tin để biết khi nào họ đã gặp sai lầm và biết cách vượt qua tình huống đó”. Bất kỳ một công ty hay tập thể nào cũng cần có một nhà lãnh đạo xem những vấn đề rắc rối nhất giống như một thử thách, mong muốn hướng tới nó và vượt qua nó.
Xây dựng thế hệ lãnh đạo tiếp theo
Từ thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo không thể và không nên chỉ đứng một mình vì một công ty không cần một cá nhân có tầm ảnh hưởng đứng đầu.
Nếu đặt sự nghiệp của mình vào sự nghiệp của công ty, các nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ hướng đến việc truyền cảm hứng để xây dựng thế hệ các nhà lãnh đạo vĩ đại khác. Đó là những người mà họ thực sự tin tưởng để giao lại sứ mệnh của công ty và lý tưởng mục tiêu có thể chạm đến từng nhân viên.
Từ vai trò là một nhà lãnh đạo, họ trở thành người thầy, người cố vấn cho tập thể và sau đó đứng phía sau ủng hộ trong tương lai. Bởi lẽ vậy, nhà lãnh đạo không nên có suy nghĩ phải tranh đấu với bất kỳ cá nhân nào khác trong đội – vì chính họ cũng là một phần của tập thể đó.
Hãy ghi nhớ rằng, “Nếu hành động của bạn thôi thúc người khác ước mơ nhiều hơn, học tập nhiều hơn, hành động nhiều hơn, và trở nên tốt đẹp hơn, bạn chính là một nhà lãnh đạo thật sự” – Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Quincy Adams đã từng khẳng định.
Tổng Kết
Chắc hẳn qua bài trên bạn cũng đã biết được lãnh đạo là gì ? Một nhà lãnh đạo giỏi là người kết hợp hài hòa những phẩm chất về thái độ, kỹ năng và kiến thức. Người lãnh đạo mà nhân viên thực sự muốn tuân theo và tôn trọng không cần phải quá toàn diện, mà họ phải có vai trò như một sợi dây kết nối các cá nhân, phát huy những năng lực tiềm tàng của từng người. Sự khác biệt của mỗi công ty nằm ở yếu tố con người, vì vậy, vị trí lãnh đạo có trọng trách to lớn nhất trong việc phát huy nhân tố đó để phát triển giá trị doanh nghiệp.
Nguồn phamtiendung.com
Bài viết liên quan: