Khởi nghiệp đi bán game và trở thành tỷ phú USD ngoài 30 tuổi

“Tôi chẳng bao giờ hối tiếc về quyết định đó. Trái lại tôi cảm thấy may mắn vì đã rời trường học sớm để có nhiều thời gian xây dựng dự án riêng của mình hơn”, tỷ phú Huang nhớ lại.

Cái tên Huang Timeng và công ty phân phối trò chơi điện tử XD Inc hiện đang thu hút được sự quan tâm của công chúng khi cổ phiếu của hãng này tăng tới 24% trong phiên giao dịch đầu năm 2021. Nguyên nhân chính là việc ông lớn phân phối mảng game Huawei Technology loại bỏ toàn bộ các trò chơi của một tập đoàn khủng khác là Tencent Holding khỏi nền tảng của họ do tranh chấp về việc chia lợi nhuận cũng như tính phí.

CEO Huang Timeng
CEO Huang Timeng

Ngay lập tức, nhà đầu tư đổ dồn về phía nền tảng Taptap được phát triển bởi XD bởi ứng dụng này miễn phí cho cả người chơi lẫn nhà phát hành game trên thị trường giao dịch. Ưu thế này của Taptap vượt trội hơn nhiều so với khoản phí 50% doanh thu mà nền tảng của Huawei áp đặt lên các nhà phát hành.

Theo hãng tin Bloomberg, nhà sáng lập Huang vốn được truyền cảm hứng từ cuộc đối đầu giữa Epic Games với Alphabet Inc và Apple Inc đã kỳ vọng các nhà phát triển game sẽ đứng dậy đòi lại sự công bằng cho thị trường game điện thoại tại Trung Quốc trị giá 30 tỷ USD.

Hiện XD đang phổ biến Taptap hơn nữa bởi dù miễn phí nhưng các ông lớn đối thủ như Huawei hay Xiaomi lại là nhà sản xuất điện thoại nên chợ ứng dụng của họ đã được mặc định.

“Hiện ngày càng nhiều nhà phát triển từ chối các chợ ứng dụng mặc định truyền thống bởi họ không muốn phải trả phí cao khi bán những ứng dụng hấp dẫn người tiêu dùng. Chúng ta nên xem xét sự nguy hiểm của độc quyền khi các công ty sản xuất thiết bị ép người dùng vào hệ sinh thái công nghệ của họ”, CEO Huang nhấn mạnh.

Quan điểm của Huang nhận được nhiều sự đồng tình của các nhà phát triển game. Một trong những trò chơi di động nổi tiếng nhất năm 2020 là Pascal’s Wager đã chọn Taptap là nơi phân phối ở Trung Quốc thay vì những ông lớn như Huawei. Trò chơi này đã bán được hơn 105 triệu bản trên toàn cầu và Taptap chiếm một nửa số đó, còn lại đến từ nền tảng iOS của Apple và Google Play.

Mức tăng giá cổ phiếu của XD so với các đối thủ (%)
Mức tăng giá cổ phiếu của XD so với các đối thủ (%)

Sự trỗi dậy của Taptap cho thấy người dùng cũng như các nhà phát triển game đã không thể chịu được sự độc quyền của các ông lớn trong làng điện thoại nữa. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các ông lớn công nghệ sau vụ việc điều tra Alibaba. Dù các quan chức chưa đụng chạm đến ngành này nhưng việc thu phí đến 50% doanh thu đang khiến vô số công ty và người tiêu dùng Trung Quốc phẫn nộ.

Trong nhiều tháng qua, hãng Tencent đã đàm phán về mức phí mà nền tảng Huawei thu trên các tựa game của họ nhưng không thành công. Tình hình căng thẳng đến mức vào ngày 31/12/2020, Huawei đã gỡ bỏ toàn bộ các trò chơi của Tencent trên nền tảng của họ nhưng nhanh chóng khôi phục lại vài giờ sau đó.

Sau đó, phía Tencent cho biết cả 2 đã đạt được một thỏa thuận chung nhưng không công bố chi tiết mức phí phải trả là bao nhiêu.

Về phía Taptap, lượng người dùng chợ ứng dụng này đã tăng 52% trong nửa cuối năm 2020 do miễn phí. Cổ phiếu của XD đã tăng tới hơn 480% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong từ cuối năm 2019, đưa tổng giá trị vốn hóa của hãng này lên tới 3,8 tỷ USD. CEO Huang hiện năm 35% cổ phần với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ USD.

Hãng XD là một trong số ít các doanh nghiệp ở mảng game không lệ thuộc vào hệ sinh thái công nghệ của các ông lớn như Huawei, Xiaomi. Ngay cả nhà sáng lập của công ty cũng có tính cách khác người khi đam mê khởi nghiệp.

Dự án startup đầu tiên đã khiến CEO Huang phải bỏ học vì clip sex. Startup mang tên VeryCD này vốn là một nền tảng chia sẻ dữ liệu trong trường của anh Huang, chủ yếu nhằm lan truyền các file bài học của những môn học trong trường. Ngoài ra chúng cũng bao gồm phim, ảnh hay các nội dung giải trí khác được chia sẻ giữa những sinh viên.

Dẫu vậy vào năm 2003, một clip sex trong trường bị phát tán nhưng Huang từ chối gỡ vì cho rằng đây không phải trách nhiệm của nền tảng mà thuộc về ý thức người dùng. Ngay lập tức anh bị đuổi học vì sự chống đối này.

“Tôi chẳng bao giờ hối tiếc về quyết định đó. Trái lại tôi cảm thấy may mắn vì đã rời trường học sớm để có nhiều thời gian xây dựng dự án riêng của mình hơn”, tỷ phú Huang nhớ lại.

Bản thân Huang là một người mê chơi game và anh nhận ra mình có khả năng thành công hơn trong mảng này. Khi Trung Quốc dịch chuyển dần từ máy tính bàn sang sử dụng điện thoại thông minh, Huang nhanh chóng nhận ra tiềm năng của game di động và Taptap ra đời vào năm 2006.

Số người dùng Taptap hiện đã đạt 25 triệu/tháng
Số người dùng Taptap hiện đã đạt 25 triệu/tháng

Đến đây chắc hẳn nhiều người thắc mắc XD thu lợi như thế nào nếu miễn phí cho cả người chơi lẫn nhà phát hành game trên chợ ứng dụng của họ. Câu trả lời là bán các vật phẩm trong game. Kể từ khi xây dựng đến nay, công ty của Huang trung thành với việc buôn bán các vật phẩm trong game do hãng tự phát triển hay bất kỳ trò chơi nào được phát hành trên nền tảng này.

Chiến thuật của XD khá tương tự với Epic Games khi tung ra những gói vật phẩm có giá hấp dẫn, qua đó thu phí phần trăm từ việc kinh doanh này.

Ngoài ra, Taptap cũng có doanh thu từ quảng cáo nhưng không nhiều bởi nhà sáng lập Huang không muốn phá hỏng trải nghiệm của người dùng với trò chơi ngập tràn biển hiệu. Nửa đầu năm 2020, doanh thu quảng cáo của XD chỉ chiếm chưa đến 1/5 trong tổng số 205 triệu USD.

“Đã đến lúc những ông lớn như Huawei phải thay đổi trước sức ép từ các công ty như XD”, Chuyên gia phân tích game Chundi Zhang của hãng Ampere Analytics nhận định.

Nguồn: cafebiz.vn