Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Doanh nghiệp tư nhân là gì? Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Doanh nghiệp tư nhân là gì ?

Căn cứ vào điều 183 luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân được hiểu như sau:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Doanh nghiệp tư nhân là gì ?

Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư phải nắm được những đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này để có sự lựa chọn đúng đắn.

Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ

Doanh nghiệp tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như ở các công ty nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của DN cũng chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất.

Về quan hệ sở hữu vốn trong Doanh nghiệp

Nguồn vốn ban đầu của Doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản của chủ Doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chủ Doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm vốn xuống dưới mức đã đăng kí. Vì vậy, không có giới hạn nào giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của Doanh nghiệp Tư nhân và phần còn lại thuộc sở hữu của chủ Doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là không thể tách bạch tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân và tài sản của chính Doanh nghiệp Tư nhân đó.

Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lí

Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, vì vậy cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân. Chủ Doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân.

Về phân phối lợi nhuận

Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với Doanh nghiệp tư nhân bởi Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ Doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là cá nhân duy nhất đó sẽ có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong kinh doanh.

Doanh nghiệp Tư nhân không có tư cách pháp nhân

Một pháp nhân phải có tài sản riêng, tức phải có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân đó với những người tạo ra pháp nhân. Doanh nghiệp Tư nhân không có sự độc lập về tài sản vì tài sản của Doanh nghiệp Tư nhân không độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân.

Chủ Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động
Do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ Doanh nghiệp Tư nhân – người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro của Doanh nghiệp sẽ phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ Doanh nghiệp Tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng kí mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản trong trường hợp phần vốn đầu tư đã đăng kí không đủ.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Để thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư cần có giai đoạn chuẩn bị hồ sơ bao gồm đặt tên doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề dự định kinh doanh, vốn điều lệ, địa điểm để đặt trụ sở. Sau khi giai đoạn này hoàn tất, nhà đầu tư tiến hành các bước thành lập doanh nghiệp theo trình tự quy định.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Các vấn đề cần lưu ý để chuẩn bị thành lập

1. Lựa chọn tên cho doanh nghiệp tư nhân

* Về tên tiếng Việt: phải bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

  • Loại hình doanh nghiệp: được viết là “doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN”.
  • Tên riêng: được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

* Về tên bằng tiếng nước ngoài:

Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

* Về tên viết tắt: Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

* Lưu ý:

  • Chúng tôi có thể tư vấn và kiểm tra miễn phí tên doanh nghiệp của Quý khách để tránh đặt tên trùng, tên gây nhầm lẫn
  • Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký theo quy định của pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.

2. Lựa chọn trụ sở khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

* Lưu ý: Theo quy đinh định tại Luật nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Doanh nghiệp không được đặt trụ sở tại căn hộ chung cư/diện tích thuộc nhà chung cư trong các trường hợp sau:

  • Nhà chung cư chỉ có chức năng nhà ở;
  • Phần diện tích nhà chung cư có chức năng nhà ở đối với các tòa nhà hỗn hợp (Trung tâm thương mại/văn phòng và nhà ở).

Đối với nhà chung cư, công ty chỉ được đặt trụ sở tại phần Trung tâm Thương mại/Văn phòng của tòa nhà.

3. Lựa chọn ngành nghề kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đối với những ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác sẽ do cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận.

4. Về vốn điều lệ

Doanh nghiệp tư nhân không có vốn điều lệ. Vốn đăng ký kinh doanh của chủ doanh nghiệp được gọi là Vốn đầu tư, do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Các bước thành lập doanh nghiệp tư nhân

1. Soạn thảo hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Số lượng hồ sơ: 01

Thành phần hồ sơ bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân;
  • Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
  • Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

2. Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân tại cơ quan có thẩm quyền

Bước 1: Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua trang điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền nộp trực tiếp bản cứng tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nhận kết quả.

Nguồn lawkey.vn