Bạn đã có một ý tưởng kinh doanh. Vậy thì, kế hoạch kinh doanh là việc đầu tiên cần làm, cũng là một khâu then chốt trong quá trình khởi sự kinh doanh. Hãy xem xét một số lời khuyên áp dụng cho giai đoạn này.
Chuẩn bị tâm lý
Kinh doanh là cuộc đua marathon chứ không phải là cuộc chạy nước rút. Có thể bạn từng nhiều lần nghe điều này. Quan trọng là hiểu rõ sự khác biệt giữa chạy marathon và chạy nước rút.
Một cuộc đua marathon đòi hỏi phải có kế hoạch từ bao quát đến chi tiết trước khi bắt đầu, để có thể tiết chế trong khi chạy thực tế. Một cuộc đua marathon thường dài 26,2 dặm (tương đương 42 km). Nếu bạn dành tất cả sức lực trong vài dặm đầu tiên, bạn sẽ chẳng còn gì cho quãng đường còn lại của cuộc đua. Trong thực tế, quy tắc được khuyến khích là nửa đầu của cuộc đua marathon nên chạy chậm hơn một chút so với nửa thứ hai.
Điều này áp dụng cho doanh nhân mới như thế nào? Đừng đầu tư tất cả số tiền của bạn trong vài tháng đầu, trước khi bạn có một dòng tiền được đảm bảo. Đừng thuê quá nhiều người ngay từ đầu, nhưng hãy xây dựng một nhóm nòng cốt và thuê thêm nhiều nhân viên khi doanh nghiệp bắt đầu có lợi nhuận. Đừng làm việc 24/7 trong 3 tháng đầu để rồi phải dành đến 6 tháng sau đó để hồi phục.
Tìm kiếm mentor phù hợp
“Nếu bạn đang dấn thân vào con đường kinh doanh, hãy cố gắng tìm cho mình một mentor. Nếu bạn đang ở vị trí có thể chia sẻ những kỹ năng bạn đã học được, hãy cho đi bằng cách trở thành một mentor cho người khác” – Richard Branson.
Mentor sẽ là người hướng dẫn cho bạn khi mọi thứ trở nên khó khăn, và cả khi bạn không biết là bạn đang… không biết. Dù bạn đang có kế hoạch tuyển dụng, marketing, phát triển sản phẩm hoặc tìm kiếm một cộng sự đồng sáng lập, mentor sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định một cách đúng đắn. Hãy tìm một mentor có kinh nghiệm trong ngành mà bạn kinh doanh. Có một mentor – người có thể giúp quảng bá sản phẩm của bạn đến một mạng lưới rộng rãi là một lợi thế cho startup.
Tìm một co-founder
Co-founder (đồng sáng lập) có thể giúp bạn lấp đầy khoảng trống trong đội ngũ quản lý của bạn. Đừng ngại tìm kiếm những người có mối quan tâm, điểm mạnh không giống bạn. Ví dụ, bạn mạnh về sản phẩm, hãy tìm người có thể lo phần marketing. Tuy nhiên, hãy tìm kiếm một người có cùng niềm đam mê với sản phẩm như bạn và có niềm tin vào tầm nhìn tổng quan của bạn về công ty.
Làm những gì bạn yêu thích
“Đam mê là thứ gắn kết bạn với cái bạn đang làm. Người ta thường tìm kiếm những công ty có tính tinh tế và có sức tăng trưởng mạnh. Nhưng, hãy đối mặt với điều này: niềm đam mê có thể mở rộng” – Adriana Lopez.
Đam mê là một trong những điều quan trọng nhất trong hành trình lập nghiệp. Bạn phải làm điều gì đó bạn đam mê – thứ giúp bạn không cảm thấy như mình bị bỏ rơi khi gặp khó khăn. Hãy thử tạo một giải pháp giải quyết vấn đề mà bạn cảm thấy đau đáu. Nếu bạn đam mê về sản phẩm, hãy khiến nó trở nên dễ nhìn hơn đối với các nhà đầu tư, khách hàng, và thậm chí cả team của bạn nữa.
Xây dựng elevator pitch
Bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ gặp một nhà đầu tư tiềm năng, hoặc thậm chí một khách hàng tiềm năng. Hãy chuẩn bị elevator pitch. Đó là một bản tóm tắt về cái mà công ty bạn làm và vấn đề mà công ty bạn đang giải quyết. Yêu cầu là: ngắn gọn và chất, chỉ bằng khoảng thời gian đi một chuyến thang máy mà thôi. Hãy suy nghĩ và viết ra những gì bạn muốn nói với mọi người nếu bạn chỉ có một phút, và sau đó hãy thực hành nó.
Elevator pitch là khái niệm mà giới startup hay dùng, chỉ việc đưa ra thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ về dự án trong một thời gian ngắn, nhằm thu hút sự chú ý của những khách hàng, đối tác, nhà đầu tư tiềm năng.
Sẵn sàng chứng tỏ bản thân
Doanh dân khởi nghiệp thường là những người trẻ và thiếu kinh nghiệm. Do đó phần lớn các công ty khởi nghiệp có xu hướng được điều hành bởi những người trẻ, và điều này thường khiến cho các nhà đầu tư coi là yếu tố bất lợi. Hãy sẵn sàng để chứng minh rằng bạn có khả năng điều hành và đội ngũ của bạn có những chuyên môn cần thiết để thực hiện công việc của mình.
Có tầm nhìn rõ ràng
Tầm nhìn về công ty và sản phẩm là thứ startup phải có, từ trước khi bắt tay vào lập kế hoạch. Khi bạn đã chắc chắn về những gì bạn muốn đạt được, hoặc những vấn đề mà sản phẩm của bạn sẽ giải quyết, việc xử lý những thay đổi hay phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Khi lập kế hoạch, hãy chia nhỏ tầm nhìn thành những mục tiêu có thể đo lường, từ đó sẽ giúp bạn đo mức độ thành công của mình. Phương pháp này gọi là thiết lập mục tiêu S.M.A.R.T, với các thành tố:
- S – Specific: mục tiêu cụ thể
- M – Mesuarable: có thể đo lường được
- A – Attainable: có thể đạt được
- R- Relevant: có tính thực tế
- T – Time-Bound: có thời gian hoàn thành
Sau khi đã thiết lập được mục tiêu với đầy đủ các thành tố trên, bạn có thể tăng cường tập trung vào việc đạt được chúng. Công thức này cần được áp dụng khi thiết lập mục tiêu cho tất cả các lĩnh vực của công ty, từ nhân sự đến bán hàng.
Nguồn: huanluyenkhoinghiep
Bài viết liên quan: