Câu chuyện của Vy và SaiGon Juice là minh chứng cho việc nếu muốn thành công bạn cần phải có niềm đam mê và óc sáng tạo.
Lấy ngắn nuôi dài
Rời bỏ môi trường làm việc chuyên nghiệp, cất đi tấm bằng đại học, không quan tâm đến những lời khuyên cũng như phản đối từ phía gia đình, Võ Tường Vy quyết định thực hiện giấc mơ giản dị là kinh doanh ẩm thực, lĩnh vực cô đam mê từ nhỏ. Ba tháng sau khi gia nhập thương trường, đã có đến 3 lời đề nghị Vy cho nhượng quyền thương hiệu Saigon Juice. Câu chuyện của Vy và Saigon Juice chứng minh cho công thức: đam mê + sáng tạo = thành công.
Đến thăm Saigon Juice vào một chiều đầu tuần. Đi theo con hẻm bên hông Trường Tiểu học Thiên Hộ Vương ở quận 10, quán nằm khiêm tốn cuối hẻm với kiểu kiến trúc mở để khách có thể quan sát những sinh hoạt thường nhật diễn ra trên sân khu chung cư cao tầng phía đối diện.
Cũng là sinh tố, bánh flan, yaourt, cà phê… như bao quán giải khát khác, hà cớ gì Saigon Juice trở thành từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trong tháng vừa qua? Câu trả lời là Jelly Kiss – sinh tố ăn luôn ly, một món giải khát lạ từ vị giác đến thị giác.
Trong một chiếc ly làm từ rau câu là món sinh tố hỗn hợp ngon miệng. Thực khách vừa uống sinh tố, vừa nhấm nháp “chiếc ly” đẹp mắt với giá chỉ 13.000 đồng. “Đây mới là giá dùng thử, giá thành sản phẩm đã trên mức giá này”, Võ Tường Vy, cô chủ của Saigon Juice, chia sẻ.
Gia đình từ Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp. Như rất nhiều cô gái tỉnh lẻ khác, Vy cũng lập thân bằng con đường học đại học, ra trường, kiếm việc làm, giải quyết nhu cầu cơm áo gạo tiền. Bốn năm phụ trách nhân sự cho một doanh nghiệp nước ngoài, môi trường công sở giúp Vy trưởng thành hơn rất nhiều nhưng cô gái này vẫn luôn cảm thấy chưa thỏa mãn.
Vy tâm sự: “Ước mơ từ ngày nhỏ của tôi là kinh doanh ẩm thực, nhất là ẩm thực miền Trung. Tôi nghĩ, Sài Gòn thích hợp để tôi thực hiện ước mơ này”. Và đi làm để tích cóp vốn khởi nghiệp là con đường Vy đã chọn.
Với mục đích như thế nên khi đã có chút ít vốn, cùng một người bạn, Vy bắt tay hiện thực hóa giấc mơ. “Có lẽ vì chưa đủ duyên nên người đồng hành cùng tôi đã bỏ cuộc”, Vy kể. Quyết định đi tiếp con đường, Vy một mình thuê nhà thầu trang trí, tìm kiếm nguyên liệu, xây dựng kênh bán hàng…
Vẫn áp dụng thực đơn truyền thống như các quán sinh tố giải khát khác nhưng riêng ở Saigon Juice, Vy giới thiệu dòng sản phẩm Healthy Juice là những thức uống làm từ các loại củ, quả tốt cho sức khỏe như: cần tây, củ sắn, cà chua, cà rốt, cải bó xôi… để phục vụ khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt.
Đi từng bước chậm
Đoán biết nỗi khổ chung của kinh doanh ẩm thực là những ngày đầu thường ít khách, Tường Vy đầu tư cho kênh bán hàng trực tuyến để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Vừa đầu tư web, vừa lập Facebook, tổ chức hệ thống nhận đơn hàng, giao hàng…, Vy hướng đến đối tượng khách hàng là dân văn phòng.
Thông qua những mối quan hệ cá nhân Vy có được từ những ngày làm công sở, tiếng lành đồn xa, khách hàng đến với hệ thống bán hàng trực tuyến của Saigon Juice ngày một nhiều hơn.
Để chăm sóc đối tượng khách hàng này, Vy chấp nhận giảm lợi nhuận, miễn phí giao hàng cho những đơn hàng 100.000 đồng trở lên. Nhờ vậy mà lượng khách mua hàng trên mạng của Saigon Juice ổn định ngay từ những ngày đầu.
“Cái khó của người chân ướt chân ráo kinh doanh như tôi là việc quản trị”, Vy chia sẻ. Nhân lực ban đầu của Saigon Juice chỉ 5 người nhưng đối tượng làm việc lại hoàn toàn khác với nhân lực nơi công sở. Áp dụng kinh nghiệm quản trị có được sau thời gian làm ở công sở vào doanh nghiệp của mình, Vy gần như hụt hơi vì sự khác biệt.
Vy kể: “Dù bán hàng trực tuyến hay theo phương thức truyền thống thì tôi vẫn đòi hỏi nhân viên phải mang đến cho khách chất lượng dịch vụ chuẩn mực. Việc huấn luyện nhân viên thời gian đầu cũng rất khó”. Hiểu được những điểm khác biệt giữa mình và nhân viên, Vy bắt đầu điều chỉnh.
Lúc này, Vy tận dụng lợi thế ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương của mình để tìm hiểu đời sống nhân viên, chia sẻ và đồng cảm với họ. Những khi giữa các nhân viên phát sinh mâu thuẫn, Vy không ngại bỏ thời gian dàn xếp cho họ ngồi lại với nhau, cùng tìm hướng giải quyết. Nhờ vậy mà công tác quản trị nhân lực mới đi vào nề nếp.
Ổn định nhân lực, kênh bán hàng rồi Vy mới đầu tư phát triển sản phẩm. Yêu cầu phải có sản phẩm độc đáo, mới lạ để có thể tạo dấu ấn với khách hàng được Vy đặt ra. Lúc này, ký ức về những ngày còn bé với món khoái khẩu là rau câu mẹ làm trở thành định hướng cho Vy.
Mấy tháng ròng, Vy loay hoay với nguyên liệu tự nhiên là rau củ, hoa trái… để làm ra những chiếc ly bằng rau câu. “Làm ra được chiếc ly đủ cứng để chứa được sinh tố nhưng vẫn đủ mềm, dai để khách thưởng thức tưởng dễ nhưng lại cực khó”, Vy tiết lộ. Đáng mừng là sáng tạo của Vy được thực khách đón nhận nhiệt tình.
Quá trình thử nghiệm, mỗi ngày Saigon Juice sản xuất tầm 100 suất Jelly Kiss nhưng vẫn không đủ phục vụ. Ban đầu chỉ có 3 loại “ly” là xanh (lá dứa), đỏ (củ dền) và sơn thủy (nước cốt dừa và lá dứa), đến nay Vy đã cho ra đời thêm trắng (nước cốt dừa).
Khách hàng tìm đến ngày một nhiều, cùng với những lời đề nghị nhượng quyền thương hiệu đầy hấp dẫn. Vy thú nhận: “Vẫn biết đó là cơ hội để tăng hiện diện cho Saigon Juice nhưng tôi vẫn chưa thể nhận lời”.
Cô chủ kỹ tính muốn Saigon Juice phải thật quy củ, thật bài bản… rồi mới tính đến chuyện nhân rộng mô hình. “Phải làm tốt và chỉn chu từ cái nhỏ nhất mới có thể làm tốt cái lớn hơn. Mục tiêu tôi hướng đến vẫn là chuỗi quán ăn và giải khát mang đặc thù miền Trung quê mình”, Vy bảo vậy.
Nguồn CafeBiz
Bài viết liên quan: