CEO Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đánh giá đa phần startup đều đặt mục tiêu là hiện thực hóa giấc mơ. Do đó, ông Tống cho rằng với startup, không tham tiền, mất tiền không phải chuyện lớn, mà vấn đề khủng khiếp hơn là đánh mất niềm tin và mất nhấn sự.
Vì sao lại vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung dưới đây!
Trong hành trình gần 15 năm tồn tại và gây dựng, Yeah1 gây ấn tượng là startup ngành truyền thông đầu tiên của Việt Nam tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO). Thời kỳ sau IPO, CEO, CEO Yeah1 cho biết với mạng lưới của mình, bao gồm cả các công ty nước ngoài, một tháng Yeah1 từng có khoảng hơn 5 tỷ lượt xem trên toàn cầu.
“Câu chuyện này nếu đi xuyên suốt sẽ trở thành mảng rất thành công cho Yeah1, nhưng đã gặp vấn đề do phát triển quá nhanh”, ông Tống chia sẻ tại talkshow Nguy-Cơ do VnExpress tổ chức.
Năm 2019, YouTube thông báo Yeah1 bị chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung, khiến giá trị vốn hóa công ty bốc hơi gần 200 triệu USD trong hai tuần.
Từ mức đỉnh 343.300 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2018, thị giá của YEG lao dốc giảm tới 90%, chỉ còn khoảng hơn 37.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu 2020. Theo đánh giá từ giới phân tích, và bản thân CEO Yeah1 cũng công nhận, đây là một trong những sự cố khủng khiếp mà doanh nghiệp đã trải qua.
Tuy nhiên, tâm lý không tham tiền đã trở thành bức tường phòng vệ để Yeah1 ổn định tâm lý và tìm cách vượt qua cú sốc.
“Nội bộ Yeah1 cũng như cá nhân tôi cho rằng mình làm startup mà, dân startup có một đặc trưng là không tham tiền. Họ xây những giấc mơ và làm sao để hiện thực hóa giấc mơ ấy”, CEO Tống nhìn nhận.
“Tôi nghĩ đại đa số startup nghĩ tới chuyện đó và họ sống hết mình vì chuyện đó, nhưng thật ra nhờ chuyện đó mà họ kiếm được rất nhiều tiền. Còn startup nào khi bắt đầu mà nghĩ tới tiền là sẽ gặp phải giới hạn ngay. Tất nhiên tiền luôn quan trọng nhưng khi nghĩ tới tiền, họ sẽ phải giới hạn khả năng sáng tạo của mình lại”.
Với Yeah1, vì không tham tiền nên ông Tống tiết lộ sự cố với Youtube không làm họ suy sụp vì mất tiền. Thay vào đó, Yeah1 đặt ra bài toán phải quay lại ngay lập tức, sửa đổi mô hình kinh doanh và tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Ông Tống nhìn nhận trong khủng hoảng, với bất kỳ startup nào, sự mất mát về niềm tin và con người mới là chuyện quan trọng.
“Những yếu tố ấy mới có khả năng giết chết startup. Còn chuyện mất tiền, căn bản startup vốn không tham tiền, và hôm nay có mất tiền thì ngày mai họ sẽ tìm cách kiếm tiền để tiếp tục làm. Yeah 1 cũng không ngoại lệ”.
Tất nhiên, dù không tham tiền nhưng bản thân ông Tống thừa nhận cú ngã 200 triệu USD khiến Yeah1 thấm thía bài học lần đầu tiên họ biết được: Trong “cơ” có “nguy”, chứ không chỉ trong “nguy” có “cơ”. Ông Tống giải thích, khi lên sàn, Yeah1 bước vào một thế giới hoàn toàn khác với những cơ hội lớn về tài chính, quan hệ, tiềm năng, tiềm lực…Trong những có hội đó sẽ xuất hiện nhiều rủi ro, ví dụ rủi ro về quản trị, rủi ro về bộ máy, rủi ro về kinh doanh,….
“Yeah1 trong bối cảnh ấy học được bài toán rất lớn, giá trị cả mấy ngàn tỷ đồng đó là trong cơ có nguy”, ông Tống chia sẻ.
Sau thời điểm “nguy” xảy ra, nhìn lại, lãnh đạo Yeah1 coi đó là cơ hội và cũng là cột mốc quyết định giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi mảng kinh doanh cốt lõi là truyền thông. Giai đoạn Covid-19 vừa qua, Yeah1 tập trung phát triển Giga1- Nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà sản xuất tới người dùng cuối. Ông Tống tiết lộ sau vài tháng ra mắt, một ngày lượng bán tổng cho người tiêu dùng thông qua Giga1 đã lên đến 2 triệu sản phẩm.
Kết quả kinh doanh trong quý 3/2020 cho thấy Yeah1 đã ổn định trở lại sau năm 2019 chìm trong thua lỗ. Quý này, Yeah1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2 quý trước và cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 15,1 tỷ đồng và 13,3 tỷ đồng.
Nguồn: khoinghiep.org.vn
Bài viết liên quan: