Thương mại điện tử chính là con đường giúp rất nhiều người trở thành tỷ phú trên thế giới. Nổi bật trong đó phải kể đến đó là Jeff Beroz của Amazon hay JackMa của Alibaba.
Jeff Bezos, Amazon
Tài sản: 178 tỷ USD
Jeff Bezos theo học ngành khoa học máy tính của Đại học Princeton. Sau khi tốt nghiệp, ông từ chối lời mời làm việc từ Intel và Bell Labs để tham gia vào một công ty khởi nghiệp có tên Fitel. Sau khi rời Fitel, Bezos về làm việc cho quỹ đầu tư D.E.Shaw và trở thành phó chủ tịch cấp cao chỉ sau 4 năm.
Năm 1994, Bezos đọc được thông tin các trang web đã tăng trưởng 2.300% trong một năm. Con số này khiến ông bất ngờ và quyết tâm tìm cách tận dụng sự tăng trưởng nhanh chóng của nó. Ông lập danh sách 20 sản phẩm có thể bán trực tuyến và quyết định sách là lựa chọn tốt nhất.
Bezos quyết định rời D.E.Shaw để thành lập Amazon dù đang có một công việc tuyệt vời. Trong tháng đầu tiên ra mắt, Amazon đã bán sách cho mọi người ở 50 bang của Mỹ và ở 45 quốc gia khác nhau. Sau đó, công ty này không ngừng phát triển. Năm 1997, Amazon niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tháng 7/2017, Bezos lần đầu tiên vượt qua đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 90 tỷ USD. Năm 2018, Bezos chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú giàu nhất thế giới và tiếp tục giữ vững danh hiệu này trên bảng xếp hạng năm 2019 và 2020. Tài sản của Jeff Bezos từng có thời điểm vượt 200 tỷ USD.
Jack Ma, Alibaba
Tài sản: 51,2 tỷ USD
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Jack Ma đăng ký thi đại học nhưng 2 lần đều trượt. Nhờ sự nỗ lực và kiên trì, cuối cùng ông đã thi đỗ vào Học viện Sư phạm Hàng Châu. Ông tốt nghiệp năm 1988 và bắt đầu tìm kiếm việc làm.
Jack Ma nộp hồ sơ xin việc vào 30 vị trí khác nhau và đều bị từ chối – trong đó có KFC – trước khi được tuyển dụng làm giáo viên Tiếng Anh. Ông rất yêu công việc cũng như các học sinh của mình dù chỉ kiếm được 12 USD/tháng tại một trường đại học địa phương.
Năm 1999, Jack Ma cùng những người bạn thành lập Alibaba. Đây là một trang web cho phép các nhà xuất khẩu đăng tải các dòng sản phẩm của họ và các khách hàng có thể mua trực tiếp từ đó. Không lâu sau đó, dịch vụ này bắt đầu thu hút công chúng từ khắp nơi trên thế giới.
Cho đến tháng 10/1999, công ty đã có được 5 triệu USD vốn góp từ Goldman Sachs và 20 triệu USD từ SoftBank, tập đoàn viễn thông Nhật thường xuyên đầu tư cho các công ty công nghệ. Năm 2005, Yahoo đầu tư 1 tỷ USD vào Alibaba. Với thương vụ IPO lập kỷ lục trên sàn chứng khoán New York vào tháng 9/2014, Jack Ma trở thành người giàu có nhất Trung Quốc.
Colin Huang, Pinduoduo
Tài sản: 50 tỷ USD
Colin Huang sinh năm 1980, tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học máy tính Đại học Wisconsin. Ông từng thực tập tại Microsoft thời sinh viên, nhưng sau đó quyết định đầu quân cho Google khi tốt nghiệp vào năm 2004. Huang sau đó rời công ty để khởi nghiệp, thành lập công ty game trực tuyến Xinyoudi và sàn thương mại điện tử Ouku.com, trước khi thành công lớn với Pinduoduo (PDD).
PDD thành công nhờ những chương trình khuyến mại cho khách hàng. Hầu hết người dùng của PDD đến từ các thành phố nhỏ của Trung Quốc. Ứng dụng này cũng giảm giá thêm cho khách hàng khi họ giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và mời bạn bè cùng mua.
Mới đây, PDD khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo nhà sáng lập Colin Huang đã từ chức chủ tịch. Năm 2020, công ty 5 năm tuổi do Huang sáng lập đã vượt qua “gã khổng lồ” Alibaba để trở thành sàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc nếu tính theo số lượng người mua hàng năm. Trước đó, Huang cũng rời vị trí CEO công ty này vào tháng 7 năm ngoái.
Liu Qiangdong, JD.com
Tài sản: 18,9 tỷ USD
Liu Qiangdong (Richard Liu) sinh ra trong một gia đình nghèo tại vùng nông thôn với đất đai khô cằn cách Bắc Kinh 700 km. Trong một bài phát biểu về thời trung học của mình, Liu cho biết ông từng mơ về bữa cơm có thịt bởi khi đó mỗi năm ông chỉ được ăn thịt 1 – 2 lần. Liu kể lại rằng khi ông đỗ vào đại học Renmin – trường hàng đầu tại Bắc Kinh, cả làng đã giúp ông đi học.
Năm 1998, ông mở gian hàng bán linh kiện máy tính trong diện tích 4m2 ở một khu chợ điện tử. Liu là người đầu tiên và duy nhất trong chợ treo bảng giá cho các sản phẩm và có nhãn mác, biên lai đàng hoàng. Từ một gian hàng nhỏ, đến đầu năm 2003, ông đã mở rộng ra 12 cửa hàng điện tử lớn khắp Bắc Kinh.
Khi dịch SARS bùng nổ tại Trung Quốc, Richard buộc phải đóng các cửa hàng của mình. Tuy nhiên, ông vẫn thuê một số nhân viên bán hàng qua mạng. Khi đại dịch đi qua và các cửa hàng hoạt động trở lại, vị doanh nhân vẫn thuê một nhân viên làm việc toàn thời gian cho mảng online. Cuối năm đó, khi nhìn lại các con số và kết quả kinh doanh, ông nhận ra tiềm năng của thương mại điện tử và quyết định đây chính là con đường của mình.
Ông tung ra trang web bán lẻ trực tuyến đầu tiên của mình vào năm 2004 và thành lập JD.com (viết tắt từ Jingdong) vào cuối năm đó. Năm 2014, công ty niêm yết trên sàn Nasdaq ở New York (Mỹ). Hiện nay JD.com là một trong những sàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc.
Nguồn CafeBiz
Bài viết liên quan: