Khởi nghiệp và gặp thất bại là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy luôn nghĩ “thành công đang ở rất gần rồi, ngay sau thất bại này thôi!”.
Từ minh chứng qua những chia sẻ của Kurt Theobald, đồng sáng lập và CEO của Classy Llama, một công ty cung cấp các dịch vụ về thương mại điện tử như tiếp thị, lên các chiến lược quảng bá xây dựng thương hiệu và phát triển các trang web thương mại điện tử. Anh đã từng khởi nghiệp 10 lần trong năm năm và thất bại đủ 10 lần.
Cho tới startup thứ 11 của mình, anh đã làm được hơn cả kỳ vọng mình đặt ra, biến Classy Llama thành một công ty có doanh thu lên tới ba triệu đô la và xếp thứ 454 trong Top 500 công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ trong năm 2013. Dưới đây là chín bài học rút ra từ 10 lần thất bại của anh. Nó đã giúp anh rất nhiều để đạt được thành công hiện nay.
Bài học thứ 1: Đừng mù quáng trước các cơ hội kinh doanh
Với Theobald, đây là một trong những bài học đắt giá nhất của anh. Anh đã từng có thói quen khi cảm thấy hứng thú với việc gì hoặc có một cơ hội xuất hiện ngay trước mắt, anh liền ngay lập tức chộp lấy. Và bởi vì theo đuổi quá nhiều cơ hội như thế và chẳng đặt ra cho mình bất cứ chiến lược nào cho những cơ hội đó đã làm cho anh thất bại nhiều lần. Chính vì thế, hãy hành động một cách chiến lược. Đừng chỉ nắm bắt cơ hội mà quên đi việc phát triển tiềm năng của bản thân. Đặt mục tiêu của mình lên trên và bạn sẽ học được cách xác định chính xác cơ hội nào là dành cho mình.
Bài học thứ 2: Thất bại là cần thiết, nhưng đừng thất bại quá nhanh
Một câu thần chú trong giới startup toàn cầu chính là “rớt nhanh” (“fail fast”). Nhưng vấn đề là như thế nào là thất bại nhanh hơn mức cần thiết? Áp dụng phương pháp thất bại nhanh này, nhưng đừng quá lạm dụng nó. Hãy sử dụng nó với sự kiên trì và quyết tâm kiên định. 10 lần thất bại trong 5 năm chỉ vì Theobald tự nhận mình là một người không có kiên nhẫn, và tính cách đó dẫn anh tới sự yếu đuối. Anh nhận ra rằng, muốn là một nhà kinh doanh thành công, anh phải gắn chặt với cái mình chọn và nếu thất bại thì lần sau thử một hướng tiếp cận mới, và rồi họ sẽ có được cái họ muốn. Đừng để bản thân thất vọng khi bạn đào vàng và từ bỏ khi chỉ còn cách kho báu có vài cm nữa thôi.
Bài học thứ 3: Xác định kế hoạch cho mình
Mọi startup thành công hiện nay đều có chung một điểm: tìm ra được bí quyết của riêng mình và mở rộng kinh doanh. Nhưng bạn không thể mở rộng kinh doanh khi chưa tìm ra được kế hoạch của riêng mình. Đóng một cái đinh thật chặt vào con đường phát triển bằng cách tìm ra một kế hoạch phù hợp với sự phát triển và đường hướng hoạt động của startup, rồi sau đó mới thực hiện việc mở rộng. Nathan Furr và Paul Ahlstrom cũng đã viết như thế trong cuốn sách của mình “Nail it, Then Scale it” và thêm vào rằng “Nếu như bạn làm sai thứ tự, bạn sẽ ngã ra khỏi vách đá đấy” (“Do this in the wrong order and you’ll drive off a 500-ft cliff”). Với Theobald, bài học này đến với anh trong một lần anh thất bại. Khi anh quyết định mở rộng kinh doanh, anh mới nhận ra rằng doanh thu của mình không đủ trang trải cho mô hình kinh doanh mà anh đã lập ra; đồng nghĩa với việc anh đã chọn sai kế hoạch khi công ty đang ở trong thời kỳ đầu phát triển.
Bài học thứ 4: Biết được mình là ai
Bạn có phải là một nhà kinh doanh tiềm năng hay không? Đó là câu hỏi có thễ giúp bạn vực dậy tinh thần mình sau khi thất bại. Bạn phải xác định được rằng bạn là ai, và nếu bạn là một nhà kinh doanh sẽ thành công trong tương lai, bạn phải có những phẩm chất cần thiết và một trong số đó là sống với công ty của bạn. Theobald có 2 phẩm chất mà bất cứ nhà kinh doanh nào cũng phải có. Một là khi thất bại, anh luôn đứng dậy. Hai là anh đứng dậy vì anh xem bản thân mình là chủ một doanh nghiệp, nếu không tự vực dậy được bản thân, anh đã phản bội chính niềm tin của mình. Anh đã chia sẻ: “Bạn không thể dừng lại. Và bạn không có sự chọn lựa nào khác bởi vì nếu bạn đã quyết định đi theo con đường kinh doanh, tức là bạn đã đồng ý ký một hợp đồng hy sinh cả cuộc đời với nó.”
Bài học thứ 5: Luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”
Trong đó, câu hỏi tại sao quan trọng nhất chính là “Tại sao bạn làm việc này?” Lý do, mục đích của bạn là gì? Và câu trả lời sẽ làm sáng tỏ khát khao và ước mơ của bạn. Một ví dụ điển hình chính là Steve Jobs. Ông quay trở lại Apple khi đã mất đi quyền kiểm soát công ty do mình tạo nên và nhận chỉ một đô la lương cho công việc của mình. Nhưng ông vẫn dành hết dức mình cho công ty, bởi vì Steve Jobs thực sự quan tâm tới việc truyền tải sự vĩ đại. Đây dường như là điểm khác biệt hoàn hảo giữa những founder thành công tột bậc với đa số những nhà kinh doanh thành công nhỏ lẻ còn lại. Hãy đào sâu hơn nữa vào trí óc của bạn và tìm thấy nguồn gốc, động lực sâu nhất thúc đẩy bạn mở một công ty. Nếu bạn chỉ làm vì một vài lợi ích nhỏ như là giàu có hơn một chút, tự do hơn một chút hay là độc lập hơn thì rốt cuộc, bạn cũng sẽ bị những áp lực và stress trong ngành kinh doanh đẩy ra khỏi cuộc chơi mà thôi.
Bài học thứ 6: Đừng coi thường mọi người
Khi đã nhận ra được tầm quan trọng của câu hỏi tại sao, bạn sẽ hiểu được phần nào về khả năng trở thành một founder trong bạn. Theobald ngày xưa đã từng nghĩ rằng anh theo đuổi cơ hội với mục đích tạo lợi ích cho chính mình. Nhưng anh đã quên mất rằng để thành công, một mình mình thì chưa đủ mà còn cần tới những người khác. Khi Theobald thay đổi cách suy nghĩ từ chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân sang việc chú trọng tạo ra thành công cho cả những người xung quanh, anh đã nhận được rất nhiều phản hổi tích cực và khác xa với những thất bại anh đã từng gặp. Để có thể tạo ra lợi ích cho cả một nhóm người (có thể là nhân viên, khách hàng hoặc nhà đầu tư của bạn, hay là bất cứ ai bạn muốn hướng tới) thì bạn hãy tự đặt mình trong vị trí của họ và giúp họ đạt được điều họ muốn. Jeff Walker, một nhà kinh doanh gọi hành động này là “san sẻ thứ nước màu mỡ” cho nhiều người. Họ giàu có, bạn cũng sẽ giàu có theo vì những người này đề có tác động tích cực đối với bạn và chính bạn lại là người tạo nên thành công cho họ.
Bài học thứ 7: Phải biết trao quyền
Một trong những yếu tố quyết định thành công chính là trao quyền. Hỗ trợ nhân viên của bạn thành công và đem một phần quyền kiểm soát của mình cho họ. Có thể bạn sẽ ngay lập tức phản đối việc này. Quyền lực là của bạn ngay từ đầu, là đứa con mà bạn đã nuôi dưỡng rất lâu. Nếu không có quyền lực thì khác gì bạn đã từ bỏ startup của mình. Có phải bạn đang nghĩ như vậy không? Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm của mình Theobald phản đối quan điểm giữ rịt quyền kiểm soát trong tay founder mà không chia sẻ nó cho ai khác. Theo anh, quyền lực là một thứ nguy hiểm, bạn giữ càng nhiều thì bạn sẽ có xu hướng ỷ lại vào nó nhiều hơn. Nếu như bạn cho nó đi, bạn sẽ học được cách kiểm soát công ty mà không cần có quá nhiều quyền lực trong tay. Hơn thế nữa, thành công như đã nói ở trên không chỉ đến từ một người mà đến từ một tập thể. Nếu bạn cứ giữ rịt lấy quyền lực và ra lệnh cho cấp dưới làm theo ý mình thì có bao nhiêu phần trăm bạn chắc chắn rằng mình thông minh và sáng suốt hơn cấp dưới của mình và quyết định của mình là hoàn toàn phù hợp. Rõ ràng, bạn chẳng khi nào chắc về điều đó được cả, và thậm chí bạn sẽ còn gặp stress nặng nếu cứ tiếp tục gánh hết tất cả mà không san sẻ cho ai khác. Chính vì thế, founder nên biết cách cho đi một phần quyền lực của mình và kiểm soát phần trung tâm còn lại như là tầm nhìn, mục đích hoạt động và những giá trị cốt lõi.
Bài học thứ 8: Lợi nhuận không phải lúc nào cũng quan trọng
Một startup cần nhất là lợi nhuận nhưng nếu chỉ biết chú trọng vào lợi nhuận thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội to lớn khác. Bởi vì lợi nhuận là phần cuối cùng trong một mắt xích kinh doanh và để đạt được nó, những mắt xích phía trước quan trọng hơn nhiều. Khi hoạt động của startup hiệu quả, thì kích thước của miếng bánh startup (hay giá trị của startup) lớn hơn trước và trở thành đòn bẩy để lợi nhuận của bạn tăng lên. Đừng mãi chỉ chăm chăm vào chiếc ví của mình. Phân quyền và kiểm soát hiệu quả làm việc của từng bộ phận để chắc chắn cả bộ máy chạy mượt mà sẽ làm cho giá trị của startup ngày càng hấp dẫn và lợi nhuận theo đó ngày càng tăng lên.
Bài học thứ 9: Hãy sáng tạo
Theobald đề cập tới một trường hợp của một người gặp phải khó khăn và nhận lời khuyên của một cố vấn rằng anh hãy cứ làm nhưng những gì mình đã thực hiện và anh sẽ chiến thắng thôi. Và thế là từ hết lần này tới lần khác, thất bại và đứng dậy, anh ta tiếp tục làm điều mình đã làm và cho đến một ngày, anh ta gục xuống và không bao giờ đứng dậy được nữa. Theobald đã chia sẻ rằng sẽ chẳng có thứ gì biến mất nếu như bạn cứ tiếp tục làm những việc giống nhau. Nó giống như là bạn cứ đâm đầu vào một bức tường hết lần này sang lần khác thì bức tường nó vẫn ở đó và đầu bạn thì càng ngày càng đau vì cứ đập hoài vào nó. Vậy sao bạn không dừng lại chuyển hướng xem, đi vòng qua bức tưởng hoặc thay đổi phương thức phá tường như là lấy búa hay dùng bom nổ chẳng hạn. Rõ ràng những hướng tiếp cận mới này hiệu quả hơn nhiều so với hướng tiếp cận cũ. Và nó cũng là cách bạn hình dung ra việc học từ thất bại. Thay đổi phương thức bạn từng làm, tránh làm theo hướng mà bạn đã từng thất bại, thì chẳng mấy chốc bạn sẽ thành công mà thôi.
Đúng như câu nói : “What doesn’t kill you makes you stronger” – “Điều gì không làm bạn gục ngã sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn!”. Bạn có thể mệt mỏi, yếu đuối bởi những khó khăn, hãy nghỉ ngơi, dừng lại để tìm những yên bình của cuộc sống, tìm thấy những giá trị tuyệt vời sau mỗi vấp ngã. Đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy luôn nghĩ “thành công đang ở rất gần rồi, ngay sau thất bại này thôi!”, bạn nhé!
Nguồn: khoinghiep.org.vn
Bài viết liên quan: