Khi muốn thay đổi loại hình doanh nghiệp bạn cần phải lưu ý những điều gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp là việc làm thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp từ loại hình này sang một loại hình khác. So với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng thêm 02 trường hợp được phép chuyển đổi loại hình công ty, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và công ty hợp danh.
2. Thay đổi con dấu doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.[…] “
Theo quy định pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp có quyền quyết định nội dung dấu của doanh nghiệp mà không bắt buộc phải thể hiện nội dung tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp như trước đây. Nhưng thông thường doanh nghiệp vẫn sẽ ghi nhận các nội dung này trên con dấu của bên mình.
Cùng với đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng bãi bỏ quy định phải thực hiện thông báo mẫu con dấu với Phòng Đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng.
Như vậy, nếu con dấu có ghi nhận nội dung tên doanh nghiệp thì khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nên thực hiện thay đổi mẫu con dấu để đảm bảo sự đồng nhất trong thông tin doanh nghiệp, thuận tiện trong các giao dịch và tránh gây nhầm lẫn. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
3. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm.
4. Thay đổi thông tin tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp
Khi thay đổi loại hình doanh nghiệp sẽ dẫn đến thay đổi tên doanh nghiệp, các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp cũng phải thay đổi, cập nhật theo tên mới.
Như vậy, doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:
- Đối với giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe: thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe khi thay đổi các thông tin của chủ xe (tên chủ xe).
- Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
5. Thông báo về việc thay đổi với các cơ quan liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp sẽ được thay đổi khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi loại hình công ty. Việc thay đổi tên doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Để các tổ chức, cá nhân có liên quan cập nhật sự thay đổi thông tin của doanh nghiệp thì phía doanh nghiệp nên thực hiện thông báo đến các cơ quan đó về việc thay đổi tên doanh nghiệp cũng như sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của bên mình. Các cơ quan có liên quan bao gồm: cơ quan thuế, ngân hàng, bảo hiểm, đối tác kinh doanh và các cơ quan quản lý chuyên ngành…
Trên đây là nội dung bài viết “Những việc cần làm khi thay đổi loại hình doanh nghiệp” . Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ ONESE theo số hotline 0903408006 để được giải đáp chi tiết.
Nguồn lawkey.vn
Bài viết liên quan: