Với bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực nào ta không làm việc cho bất kỳ ông chủ nào, mà thực tế ta làm việc vì chính tương lai và sự nghiệp của mình.
Công ty thực chất chỉ là một sân khấu nơi có những con người cùng nhau theo đuổi giấc mơ thành công. Nỗ lực làm việc dưới tầm nhìn và thái độ của lãnh đạo để tạo ra giá trị cho công ty thì rồi cũng sẽ có một ngày bạn trở thành diễn viên chính trên sân khấu đó.
Nếu bạn cho rằng mình là một cá nhân xuất sắc vốn không có lựa chọn nào khác ngoài việc có được sự nghiệp thăng tiến, sau đây là một vài gợi ý và quy tắc bất thành văn mà bạn cần:
Thể hiện khao khát được thăng tiến
Giống như mọi cuộc hôn nhân hay hợp đồng lao động nào, bí quyết là hãy rõ ràng với người khác về điều bạn muốn ngay từ đầu. Khi đã cho họ thấy mong muốn của mình và nỗ lực để đạt được nó, bạn sẽ khiến mọi người nhớ rõ điều đó trong đầu.Tất nhiên, trong môi trường làm việc nặng tính bảo thủ, sẽ có những người không thiện cảm với các cá nhân dám khẳng định điều mình muốn. Ở một số công ty, đồng nghiệp sẽ cảm thấy bạn là đối thủ cạnh tranh đang đe dọa vị trí của họ. Có một ranh giới hết sức rõ ràng giữa việc “khao khát được thăng tiến” và “xứng đáng được thăng tiến”.
Khi gặp tình huống như vậy, hãy cố gắng hợp tác gần gũi hơn với nhóm của bạn vì bạn cần họ. Hãy sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi họ cần và không ngại ngần chia sẻ thông tin. Điều bạn muốn là những đồng nghiệp ủng hộ kế hoạch thăng tiến của bạn chứ không phải những kẻ chọc gậy bánh xe, chuyên phản hồi tiêu cực khi bộ phận nhân sự hỏi về bạn.
Thỏa thuận về kết quả trong công việc
Nếu bạn chỉ là nhân viên của một cửa hàng nhỏ hay công ty khởi nghiệp mới ra đời, những nơi vốn không có cơ chế chính thức để khích lệ nhân viên, bạn phải tự mình tạo ra tiền lệ. Kinh nghiệm cá nhân của tôi là đến gặp trực tiếp sếp (“Sếp, em thấy mình đang ngày một trưởng thành trong công ty, vì vậy em muốn hỏi xem làm thế nào để em được giao trọng trách cao hơn”) và thỏa thuận với sếp như một hợp đồng (“Nếu em vượt trội ở các dự án 1, 2 và 3, em sẽ được chức”).
Nhưng đừng chỉ dừng lại ở một lần gặp mặt duy nhất. Hãy cố gắng sắp xếp để gặp cấp trên của bạn, lý tưởng nhất là ba tháng một lần, để xem bạn đã tiến bộ như thế nào trong thời gian đó (liệu bạn có đáp ứng kỳ vọng của sếp không? Những người khác trong công ty nghĩ thế nào về kết quả công việc của bạn?). Hãy luôn theo dõi kết quả công việc của bạn vì bạn cần biết nên điều chỉnh ở đâu trước khi quá muộn.
Chỉ tốt hôm nay chưa đủ, ngày mai cũng phải làm tốt
“Nguyên tắc Peter” là một lý thuyết quản trị được gọi theo tên của Tiến sĩ Laurence J. Peter. Nguyên tắc này cho rằng, một nhân viên thể hiện được năng lực của mình sẽ được thăng chức liên tục cho đến một vị trí mà anh ta không có đủ năng lực để đảm đương nữa.
Các nhà quản trị ngày nay hầu hết đều biết đến Nguyên tắc Peter và mục tiêu của họ là ngăn chặn nguyên tắc này xảy ra ở công ty của mình. Họ không chỉ thăng chức cho nhân viên vì sự thể hiện xuất sắc ở vai trò hiện tại, mà còn vì họ đã sẵn sàng nắm giữ chức vụ mới. Những nhân viên có tiềm năng được thăng tiến là người có khả năng làm những việc ngoài yêu cầu của công ty đối với họ mà không cần hoặc cần rất ít sự giám sát từ người khác. Họ bắt đầu thể hiện khả năng vạch ra chiến lược chứ không phải là kiểu người “chỉ đâu đánh đó”. Họ dần dần hành xử như một người lãnh đạo, chứ không còn là “lính” đơn thuần.
Vận dụng chính trị
Việc thăng tiến của bạn không chỉ do một tay sếp quyết định, đặc biệt khi bạn làm cho một công ty lớn. Người phê duyệt quyết định thăng tiến có thể là sếp của sếp. Cũng có thể là sếp của sếp của sếp.
Bên cạnh đó, các đại diện đến từ phòng nhân sự cũng sẽ hiện diện để thảo luận về quyết định thăng chức (và bạn nên biết sớm là hầu hết các công ty đều có các ủy ban đề bạt thăng chức hoạt động dựa trên phiếu bầu từ các trưởng phòng hoặc quản lý).
Bạn cũng không cần phải khoa trương để người khác biết đến mình, nhưng hãy chủ động gặp gỡ họ những lúc thích hợp – đi chung thang máy, trả lời email, đề xuất ý kiến trong một buổi họp. Đó là những khoảnh khắc sẽ giúp họ ghi nhớ rằng bạn xứng đáng được công nhận.
Để sếp thể hiện vai trò của mình
Cá nhân tôi tin rằng có hai lý do tại sao một nhân viên lại không được thăng chức khi thời cơ đến: cấp trên của anh ta đã thất bại trong việc phát triển nhân viên của mình, hoặc công ty đã tuyển dụng anh ta sai vị trí. Trường hợp đầu tiên không phải hiếm gặp. Lý do là đây: sếp của bạn là người phải biết khi nào bạn đã đủ “chín” để được thăng chức, nhưng điều đó không có nghĩa là sếp của bạn chỉ ngồi nhìn bạn tự hoàn thiện dần dần. Trên hết, sếp phải là người có vai trò quan trọng trong việc học hỏi và phát triển của bạn.
Sếp cũng nên là người giúp độ phủ sóng của bạn trong công ty trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn đã bao giờ giúp sếp chuẩn bị bài thuyết trình chưa? Sếp có thể giao cho bạn trình bày một phần nào đó để cấp trên của sếp có thể cảm nhận được khả năng của bạn. Lần tới, khi gặp mặt sếp, hãy hỏi xem kế hoạch của sếp để phát triển khả năng của bạn là gì, thời gian thế nào. Nếu câu trả lời là không có gì cả, đó lại là chuyện hoàn toàn khác.
Nguồn CafeBiz
Bài viết liên quan: