Tìm hiểu về tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng ở trong doanh nghiệp

Ai cũng biết kế toán trưởng có một vai trò vô cùng quan trọng ở trong các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp nào đó. Vậy kế toán trưởng phải đáp ứng được điều kiện hay tiêu chuẩn nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể qua bài viết dưới đây nhé!

Nhiệm vụ của kế toán trưởng

Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán. Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ còn có nhiệm vụ giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị kế toán.

Nhiệm vụ của kế toán trưởng
Nhiệm vụ của kế toán trưởng

Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; trường hợp có đơn vị kế toán cấp trên thì đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đơn vị nào phải có kế toán trưởng?

Theo quy định của Luật Kế toán 2015, Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị chỉ phải bố trí phụ trách kế toán. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.

Các đơn vị chỉ phải bố trí phụ trách kế toán bao gồm:

– Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.

– Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

Như vậy, ngoài 2 loại đơn vị kế toán trên thì tất cả các đơn vị kế toán khác phải bố trí người làm kế toán trưởng.

Tiêu chuẩn của người làm kế toán trưởng

Kế toán trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người làm kế toán thông thường và một số yêu cầu khác đối với riêng kế toán trưởng.

Tiêu chuẩn chung của người làm kế toán

– Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật

– Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán

– Không thuộc các trường hợp không được làm kế toán, bao gồm:

+ Người chưa thành niên; người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người đang bị cấm hành nghề kế toán; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

+ Người thân của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định

+ Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Tiêu chuẩn riêng của kế toán trưởng

– Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng

– Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng

Điều kiện về trình độ của kế toán trưởng trong đơn vị

Kế toán trưởng phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên. Cụ thể theo Nghị định 174/2016/NĐ-CP:

Yêu cầu trình độ đại học trở lên

Kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên:

– Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp

– Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này

– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

– Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này

– Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước

Kế toán trưởng phải có trình độ đại học trở lên
Kế toán trưởng phải có trình độ đại học trở lên

– Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia

– Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có vốn nhà, có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên

– Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Yêu cầu trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên

Kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên:

– Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện)

– Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước

– Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ thuộc dự án nhóm B, nhóm C

– Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn

– Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị yêu cầu trình độ đại học trở lên

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Một số lưu ý

Đối với các tổ chức, đơn vị khác ngoài các đối tượng đã được quy định, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật kế toán và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Đối với kế toán trưởng của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

Tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Trên đây là nội dung mà chúng tôi chia sẻ về tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng trong đơn vị theo quy định hiện hành. Hy vọng bài viết trên đã đáp ứng được đầy đủ thông tin mà Quý khách hàng cần tìm hiểu.

Nguồn: lawkey.vn