Thành phẩm là những sản phẩm đã kết thúc quy trình công nghệ do doanh nghiệp thực hiện hoặc thuê ngoài gia công chế biến, đã được kiểm nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đã được nhập kho để bán hoặc giao thẳng cho người mua. Vậy nhiệm vụ và nguyên tắc của kế toán thành phẩm là gì? Cùng tìm lời giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Thành phẩm và nhiệm vụ hạch toán kế toán thành phẩm
Thành phẩm là sản phẩm đã được chế tạo xong ở giai đoạn chế biến cuối cùng của quy trình công nghệ trong doanh nghiệp được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định nhập kho.
Bán thành phẩm là sản phẩm chưa hoàn thành đầy đủ các giai đoạn trong quy trình công nghệ.
Nhiệm vụ kế toán thành phẩm:
- Hạch toán đầy đủ, kịp thời số lượng thành phẩm theo từng loại thành phẩm, theo từng kho, theo từng lần nhập xuất kho.
- Hạch toán đầy đủ, kịp thời giá trị thành phẩm nhập kho, xuất kho theo từng kho, theo từng lần nhập, xuất kho.
- Kiểm kê thành phẩm định kì để tìm ra sự thiếu hụt để có biện pháp xử lí kịp thời.
- Đánh giá giá trị thành phẩm vào thời điểm lập báo cáo tài chính để lập dự phòng giảm giá thành phẩm nếu cần thiết.
2. Nguyên tắc kế toán thành phẩm
Nguyên tắc 1: Kế toán nhập xuất kho thành phẩm phải được phản ánh theo giá thực tế
Giá thực thế nhập kho
Về nguyên tắc thành phẩm phải được đánh giá theo giá trị thực tế. Giá thực tế của thành phẩm được hình thành căn cứ vào từng nguồn nhập cụ thể:
– Thành phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra được đánh giá theo giá thành công xưởng (giá thành thực tế) bao gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.
– Thành phẩm do doanh nghiệp thuê ngoài gia công được đánh giá theo giá thành sản xuất gia công thực tế. Thuê gia công bao gồm chi phí nguyên vật liệu đem gia công, chi phí thuê gia công và các chi phí khác liên quan đến quá trình gia công (ví dụ: chi phí vận chuyển nguyên vật liệu).
Giá thực tế xuất kho
Đối với thành phẩm xuất kho cũng phải đánh giá theo giá thực tế vì thành phẩm nhập kho theo nhiều nguồn khác nhau, theo từng lần nhập với mức giá khác nhau do đó có thể sử dụng các cách sau để đánh giá thành phẩm xuất kho: Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong 3 phương pháp tính giá là: bình quân cả kì dự trữ hoặc bình quân sau mỗi lần nhập kho, nhập trước xuất trước, thực tế đích danh (kế toán thành phẩm)
- Tính theo giá thực tế đích danh: theo phương pháp này, khi xuất kho thành phẩm nào thì giá xuất kho thành phẩm được lấy đúng theo giá của thành phẩm đó lúc nhập kho. Kế toán phải xác định được lô thành phẩm xuất kho đó thuộc lô thành phẩm nhập kho ngày nào, đơn giá nhập ra sao? Đơn giá nhập này chính là đơn giá xuất.
- Tính theo giá thực tế bình quân: bình quân cuối kỳ hoặc bình quân sau mỗi lần nhập kho.
- Tính theo đơn giá nhập trước xuất trước (viết tắt FIFO): Theo phương pháp này, giá xuất kho được lấy căn cứ vào giá nhập kho theo đúng thứ tự nhập kho. Lô thành phẩm nào vào kho trước thì đơn giá nhập của lô đó sẽ được sử dụng trước để làm đơn giá xuất kho. Cần chú ý: lấy hết lô thành phẩm của lần nhập trước rồi mới lấy đến lô thành phẩm nhập sau và tại một đơn giá nhập bất kì chỉ lấy được tối đa số lượng mà nó có (không lấy quá số lượng mà nó có, nếu cần xuất kho nhiều hơn số lượng nó có thì phải chuyển sang lô sau).
Nguyên tắc 2: Hạch toán chi tiết thành phẩm phải được thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm và từng thứ thành phẩm. Phương pháp hạch toán chi tiết thành phẩm được sử dụng phổ biến hiện nay là phương pháp thẻ song song và sổ số dư.
3. Ý nghĩa của thành phẩm
Trong doanh nghiệp công nghiệp, sản phẩm của từng bước công nghệ, từng giai đoạn sản xuất mới chỉ là nửa thành phẩm, nửa thành phẩm còn lại phải tiếp tục chế biến cho đến khi hoàn chỉnh.Những nửa thành phẩm đóng vai trò quan trọng và có giá trị sử dụng tương đối đầy đủ trong nền kinh tế thì nửa thành phẩm đó có thể bán ra ngoài. Tức là thành phẩm và nửa thành phẩm chỉ là những khái niệm xét trong phạm vi một doanh nghiệp cụ thể. Do vậy, thanh phẩm của doanh nghiệp này có thể chỉ là nửa thành phẩm của doanh nghiệp khác và ngược lại. Chính vì vậy, việc xác định đúng đắn thành phẩm trong từng doanh nghiệp là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nó quyết định đến quy mô, trình độ tổ chức quản lý sản xuất và tổ chức kế toán thành phẩm.
Thành phẩm được biểu hiện trên hai mặt: hiện vật và giá trị. Hiện vật được biểu hiện cụ thể bằng khối lượng hay số lượng và chất lượng hay phẩm chất.
Giá trị chính là giá trị của thành phẩm sản xuất nhập kho hay trị giá vốn của thành phẩm đem bán.
⇒ Thành phẩm là kết quả lao động sáng tạo của cán bộ công nhân viên trong toàn doanh nghiệp. Vì vậy cần đảm bảo an toàn tới mức tối đa thành phẩm, tránh rủi ro làm ảnh hưởng tới tài sản tiền vốn và thu nhập của doanh nghiệp.
Sản phẩm sản xuất ra muốn đáp ứng được nhu cẩu tiêu dùng phải thông qua tiêu thụ.
Mong rằng bài viết chia sẻ kiến thức về kế toán thành phẩm sẽ giúp ích cho các bạn hiểu sâu hơn. Chúc bạn thành công!
Nguồn: ketoanviethung.vn
Bài viết liên quan: