Trong bối cảnh dịch bệnh, dù gặp khó khăn, nhưng các start-up vẫn rất cần “giữ chân” những nhân sự giỏi, chờ thời cơ để bứt phá trở lại. Nhưng giữ chân bằng cách nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Cắt giảm nhân sự là giải pháp cuối cùng
Vì tập trung vào mục tiêu kinh doanh, nên đôi khi, chiến lược quản trị nhân sự bài bản bị các nhà sáng lập lãng quên, dẫn đến tình trạng người tài rời đi chỉ sau một thời gian làm việc. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bài toán giữ chân người tài, chờ thời cơ và bứt phá trở lại được đặt ra đối với các start-up ở mọi quy mô.
Thông thường, khi gặp khó khăn về kinh doanh, dòng vốn, start-up hay nghĩ đến cắt giảm nhân sự. Song các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp cuối cùng, bởi nhân sự là phần xương sống cho hoạt động của bất kỳ tổ chức nào. Trước khi đi đến bước này, người lãnh đạo hãy nghĩ đến các phương án tối ưu hóa chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết như thuê mặt bằng, quảng cáo, đi lại…
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev (công ty chuyên về nhân sự ngành công nghệ thông tin), thời điểm này, start-up nên chuyển sang giai đoạn “mài dao, mài kéo”, tiết kiệm chi phí, khoan tính đến chuyện giảm lương. Giai đoạn dịch bệnh cũng là bước khảo nghiệm vàng dành cho các công ty công nghệ để thực hiện 2 nhiệm vụ chính, gồm soi lại sản phẩm, hoạt động của chính mình và tập trung cải tiến, xây dựng sản phẩm mới – những điều mà trước đây chưa có thời gian, điều kiện thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, đồng sáng lập Canavi.com (chuyên nhân sự về lĩnh vực du lịch, bán lẻ…) cho rằng, giải pháp cấp bách hơn đối với start-up là tìm cách tạo ra doanh thu. Trong giai đoạn dịch bệnh, tiền có thể sẽ không về ngay, nhưng nếu start-up làm tốt công tác thu thập dữ liệu khách hàng, chuẩn bị sẵn các bước…, thì khi dịch bệnh lắng xuống, doanh nghiệp có thể lập tức tận dụng thời cơ, tạo đà bứt phá.
Chiến lược bước vào “thời chiến”
Bà Phạm Lan Khanh, sáng lập, CEO FreelancerViet.vn khuyến nghị, nếu doanh nghiệp không có nguồn thu, các nhà sáng lập có thể nghĩ đến phương án chia sẻ quyền lợi cho nhân viên bằng cách bàn lại các điều khoản nhận lương hoặc giảm lương, nếu công ty phát triển trở lại sẽ có chính sách chia cổ phần cho họ.
Chẳng hạn, nhà sáng lập có thể thương lượng mời nhân sự giỏi bằng quyền mua cổ phiếu ưu đãi trong một khoảng thời gian, nếu nhân sự này gắn bó và có đóng góp tích cực. Nhân sự có quyền từ chối mua cổ phiếu nếu thấy không có lợi. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ có quyền từ chối bán cổ phiếu cho nhân sự này nếu họ không hoàn thành các cam kết.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cần “tiếp lửa” cho các nhân viên bằng các định hướng cụ thể, họp khích lệ tinh thần… Đây chính là một trong những giải pháp giúp giữ chân người giỏi, đồng lòng cùng công ty đi qua mùa dịch. Sáng lập công ty có thể xoay chuyển tình thế bằng cách biến mỗi nhân viên thành một nhân viên kinh doanh. Nếu mỗi người đều mang đến doanh thu, thì doanh nghiệp có thể sống sót, tạo bàn đạp phát triển mạnh mẽ.
Với những công việc không thường xuyên, hãy tận dụng đội ngũ lao động tự do, thuê ngoài. Đây là một trong những xu hướng chuyển dịch nhân sự không chỉ hiện tại, mà trong cả tương lai.
Cuối cùng, việc start-up cần phải làm là xác định văn hóa doanh nghiệp với kỷ luật là phương án được các chuyên gia đưa ra. Khi doanh nghiệp bước vào thời chiến, thì KPI, OKR (khuôn khổ quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt), kỷ luật lao động phải gấp đôi đến gấp ba so với bình thường.
Lúc này, trưởng nhóm, lãnh đạo phải theo dõi từng công việc để tìm ra điểm yếu và khắc phục nhanh chóng. Mỗi ngày, các công ty có thể tổ chức họp mặt đầu ngày và kiểm tra hiệu quả công việc cuối ngày. Điều này không chỉ tăng khả năng tự giác cho nhân viên, mà còn rèn luyện khả năng ứng phó của họ trong bất cứ thời điểm khó khăn nào của doanh nghiệp.
“Nếu công ty nào xây dựng được văn hóa này, thì sau dịch, khả năng hoạt động của họ sẽ tăng cao hơn cả trước dịch”, ông Bình khẳng định.
Nguồn: Báo Đầu Tư
Bài viết liên quan: