Năng lực lãnh đạo trong chuyển đổi số: Bài 3 – Kỹ năng lãnh đạo sự thay đổi và quản lý dự án

Kỹ năng lãnh đạo sự thay đổi là yếu tố vô cùng quan trọng trong khâu chuẩn bị và cả quá trình chuyển đổi số. Cùng chúng tôi phân tích nhé!

Lịch sử và kinh nghiệm cho thấy mỗi khi ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất điều hành của doanh nghiệp, bên cạnh sự hào hứng và kỳ vọng của nhóm quản lý luôn có sự lo lắng bất an của nhóm trực tiếp thực thi.

Dù mục tiêu kết quả của chuyển đổi số là đạt hiệu quả tốt hơn về quản trị và kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp, và bản thân mỗi cán bộ công nhân viên cũng được hưởng lợi từ kết quả này, thực tế không diễn ra đơn giản một chiều như vậy.

Tâm lý người lao động sợ sự cạnh tranh, luôn lo lắng sẽ bị thay thế, cảm thấy bị đe dọa bởi sự không chắc chắn cho kết quả tương lai. Đối phó với trường hợp này, một số người rời bỏ công việc, một số chống đối và có người chỉ làm việc cầm chừng dò xét. Trong nhiều trường hợp, quan điểm và cách làm việc của những người này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và năng suất của cả đội nhóm.

Một hiện tượng phổ biến nữa là con người vốn quen với cách làm cũ sẽ ngại phải chuyển sang cách làm việc mới. Đối với chuyển đổi số, cách làm việc mới cũng có nghĩa là họ bị quản lý chặt hơn về mặt thời gian, năng suất, sự chính xác và minh bạch thông tin. Điều này cũng gây cho họ tâm lý thiếu thoải mái đối với quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số doanh nghiệp không bao giờ là dễ dàng
Chuyển đổi số doanh nghiệp không bao giờ là dễ dàng

Cũng cần phải kể đến sự đồng thuận trong hàng ngũ lãnh đạo doanh nghiệp đối với chuyển đổi số. Một ban lãnh đạo thiếu thống nhất và ngại thay đổi sẽ là lý do đầu tiên đẻ chiến lược này trở nên bất khả thi.

Quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp không bao giờ là dễ dàng. Việc này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan, từ lãnh đạo quản lý cao nhất đến những người trực tiếp thực hiện sản xuất hàng hóa dịch vụ. Trong bối cảnh con người ở các tầng quản lý khác nhau, chuyên môn nghiệp vụ khác nhau, nhận thức khác nhau và khả năng thích ứng khác nhau, việc của nhà lãnh đạo là phải làm tốt vai trò nhạc trưởng, đảm bảo cho dàn nhạc của mình luôn phối hợp nhịp nhàng trong suốt bản giao hưởng có nhiều cung bậc cảm xúc và nhịp phách khác nhau để có được màn biểu diễn hoàn hảo nhất.

Nếu chuyển đổi số doanh nghiệp là dự án tổng thể thì ở mỗi khâu, mỗi luồng công việc lại là các dự án nhỏ hơn. Làm sao để các dự án nhỏ được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng và luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau lại cần những kỹ năng quản lý dự án và kiểm thử liên tục để đảm bảo thành công.

Dù chuyển đổi số là dự án nội bộ, tính chất chiến lược của dự án này luôn được kỳ vọng ở mức độ thành công cao đến mức nó có thể “make or break” (tạo dựng hoặc phá hủy) uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, tạo sự thay đổi tích cực đến hoạt động của công ty hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của đội ngũ đối với lãnh đạo và các dự án công nghệ khác.

Vậy nên vẫn là những kỹ năng quản lý dự án như bất kỳ dự án nào khác: Bắt đầu thế nào, nguồn lực ở đâu, phân bổ công việc ra sao, đôn đốc tiến độ, quản lý chất lượng… Đối với chuyển đổi số doanh nghiệp, các đối tượng tham gia phần lớn là những con người nội bộ, nguồn vốn nội bộ, chiến lược nội bộ để cải tiến, đối mới và sửa lỗi nội bộ. Thách thức dành cho nhà lãnh đạo tăng lên gấp nhiều lần!

Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều năng lực lãnh đạo khác được gọi tên cho các dự án chuyển đổi số doanh nghiệp. Như đầu bài viết đã nêu, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp không phải là những người thạo về Công nghệ thông tin, nhưng với môi trường kinh doanh hiện nay, chuyển đổi số là điều không tránh khỏi và lãnh đạo doanh nghiệp hầu như không có lý do để đứng ngoài xu hướng này. Những năng lực kể trên thường có sẵn trong mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ cần đánh thức chúng dậy và vận dụng thật tốt để làm tiền đề cho các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn